Dù là các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân hay rộng hơn là các quốc gia thì cũng đều cần và mong muốn được đầu tư.
Đầu tư có vai trò vô cùng quan trọng, đầu tư đúng cách chính là đòn bẩy tài chính thúc đẩy kinh tế của doanh nghiệp. Nó giúp các doanh nghiệp mở rộng kinh doanh sản xuất tạo nhiều lợi nhuận hơn.
Các quốc gia cần có quỹ đầu tư nhằm phát triển kinh tế, cơ sở hạ tầng tốt hơn, thúc đẩy sản xuất thuận lợi hơn người dân có công ăn việc làm ổn định. Ngược lại, đầu tư sai cách chính là “quăng tiền qua cửa sổ”, rủi ro về thời gian, tiền bạc, công sức của nhà đầu tư cũng như mất đi uy tín của doanh nghiệp hay quốc gia nhận được sự đầu tư đó.
Do đó, bài viết hôm nay, Chia sẻ luật sẽ đề cập đến các nội dung xoay quanh đầu tư kinh doanh như: Đầu tư là gì? Các loại hình đầu tư tại Việt Nam? Các chiến lược đầu tư là gì? Tại sao nên đầu tư? Qua bài viết này, sẽ giảm đáp phần nào vướng mắc trên qua các khái niệm về đầu tư giúp bạn.
1. Đầu tư là gì?
Theo Wikipedia, Đầu tư có ý nghĩa khác nhau trong tài chính và kinh tế học.
- Trong kinh tế học, đầu tư có liên quan đến tiết kiệm và trì hoãn tiêu thụ. Đầu tư có liên quan đến nhiều khu vực của nền kinh tế, chẳng hạn như quản lý kinh doanh và tài chính dù là cho hộ gia đình, doanh nghiệp, hoặc chính phủ.
- Trong tài chính, đầu tư tài chính là đặt tiền vào một tài sản với kỳ vọng của vốn đánh giá cao, thường là trong tương lai dài hạn. Điều này có thể được hoặc không được hỗ trợ bởi nghiên cứu và phân tích. Hầu hết hoặc tất cả các hình thức đầu tư liên quan đến một số hình thức rủi ro, chẳng hạn như đầu tư vào cổ phần, bất động sản và thậm chí các chứng khoán lãi suất cố định mà có thể, ngoài những điều khác, rủi ro lạm phát.
Trong cuộc sống, hiểu đơn giản Đầu tư theo nghĩa rộng là sự hy sinh các nguồn lực ở hiện tại (tiền, tài năng, sức lao động) để tiến hành các hoạt động nào đó nhằm thu về cho người đầu tư các kết quả nhất định trong tương lai lớn hơn các nguồn lực đã bỏ ra để đạt được các kết quả đó. Các kết quả đạt được có thể là sự tăng thêm các tài sản tài chính, tài sản vật chất, tài sản trí tuệ và nguồn lực
Dưới góc độ pháp lý, đầu tư là việc nhà đầu tư bỏ vốn, tài sản theo các hình thức và cách thức do pháp luật quy định để thực hiện hoạt động nhằm mục đích lợi nhuận hoặc lợi ích kinh tế, xã hội khác.
2. Đầu tư khác đầu cơ như thế nào?
Đầu cơ là tận dụng cơ hội của thị trường đi xuống hay kỳ vọng một sự kiện có thể gây biến động giá sẽ xảy ra ở tương lai hoặc tạo sự khan hiếm để tích lũy số lượng lớn một loại tài sản (như cổ phiếu, tiền tệ, bất động sản, vàng, hàng hóa, tài sản hiện vật, chứng khoán,..) sau đó bán lại với giá cao hơn với hy vọng thu lợi nhuận cao bất thường trong thời gian biến động ngắn hạn. Phương thức đầu cơ có thể đem lại khoản lợi nhuận lớn đồng thời rủi ro đi kèm cũng rất cao và về bản chất không tạo ra giá trị thêm cho sản phẩm.
Ví dụ: Rất nhiều người được lợi từ việc thị trường tiền điện tử tăng chóng mặt 2 năm qua, họ mua đi bán lại các loại tiền điện tử và coi đó là đầu tư nhưng thực chất là họ đang đầu cơ và kỳ vọng vào sự kiện đồng tiền đó tăng giá. Phương thức này có thể đem lại cho người chơi lợi nhuận x2 x5 nhưng cũng có thể khiến họ mất 80% tài sản và về cơ bản phương thức này cũng chưa được Nhà nước Việt Nam hợp pháp hóa.
Xem thêm: Luật đầu tư 2020 – Đầu tư thế nào cho đúng Luật?
Đặc điểm | Đầu cơ | Đầu tư |
Nguồn vốn | Thường dùng phần lớn số vốn đang có, hoặc đi vay vốn | Sử dụng một phần tài sản, vốn riêng, không đi vay mượn |
Quyết định xuống tiền dựa trên | Tin đồn, biểu đồ kỹ thuật và tâm lý thị trường ở thời điểm hiện tại | Phân tích báo cáo tài chính của công ty/doanh nghiệp |
Lợi nhuận thu về từ | Sự thay đổi giá do lực cung và cầu trong thời điểm hiện tại | Sự thay đổi về giá trị của tài sản dần theo thời gian |
Thời gian kỳ vọng có lợi nhuận | Thời gian biến động ngắn hạn. | Khoảng thời gian dài trong tương lai. |
Rủi ro | Cao | An toàn |
Giá trị tài sản | Chênh lệch bất thường trong thời gian ngắn | Tăng giảm dần đều |
Thời gian nắm giữ hàng hóa | Trong thời gian ngắn hạn | Dài hạn (thường lớn hơn 1 năm) |
Tâm lý | Táo bạo và mạo hiểm | Thận trọng, kiên nhẫn, có tầm nhìn dài hạn |
3. Đặc điểm của hoạt động đầu tư
Hoạt động đầu tư có những đặc điểm chính sau:
a. Đầu tư là phải có vốn (tài sản)
Vốn (Tài sản) ở đây không có nghĩa bắt buộc phải là tiền, vốn có thể là tiền hoặc bằng các loại tài sản khác như máy móc thiết bị, nhà xưởng, công trình xây dựng, giá trị quyền sở hữu công nghiệp, bí quyết kỹ thuật, quy trình công nghệ, dịch vụ kỹ thuật, giá trị quyền sử dụng đất, mặt nước, mặt biển, các nguồn tài nguyên khác… Vốn đầu tư có thể là nguồn vốn Nhà nước, vốn tư nhân, vốn góp, vốn cổ phần, vốn vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn.
Lưu ý: Nội dung bài viết này, Chia sẻ luật chủ yếu đề cập đến các vấn đề xoay quanh đầu tư kinh doanh chứ không đi sâu vào đề cập các nội dung về đầu tư cá nhân. Nếu các bạn quan tâm về đầu tư cá nhân có thể đón đọc trong mục Blog Luật, mình sẽ có một số bài viết riêng và cụ thể hơn nhé.
Vốn hay tài sản được sử dụng để đầu tư bao gồm cả tài sản hữu hình và tài sản vô hình được pháp luật công nhận. Để thực hiện đầu tư, các nhà đầu tư cần phải sử dụng những tài sản thuộc sở hữu hoặc quyền sử dụng hợp pháp của mình. Nói một cách khác, tài sản được đem ra để thực hiện hoạt động đầu tư phải là các tài sản hợp pháp của nhà đầu tư. Đối với các tài sản mà nhà đầu tư có quyền sử dụng quyền sở hữu hợp pháp các nhà đầu tư sẽ được pháp luật bảo vệ
b. Đầu tư đi liền với thời gian
Đã là đầu tư thì không thể có chuyện hôm nay đầu tư mai kết thúc được. Thậm chí thời gian đầu tư không tính theo tháng mà thường tính theo vài năm (ngắn hạn) vài chục năm (dài hạn). Hoạt động đầu tư (kể từ khi bắt đầu khởi sự đến khi dự án mang lại hiệu quả) thường từ 2 năm trở lên, có thể đến 50 năm, và tối đa không quá 70 năm. Những hoạt động ngắn hạn trong vòng một năm tài chính không được gọi là đầu tư. Thời hạn đầu tư được ghi rõ trong quyết định đầu tư hoặc Giấy phép đầu tư và còn được coi là đời sống của dự án. Ví dụ, nếu như hoạt động mua, bán hàng hóa nhằm mục đích hướng tới lợi nhuận được hoàn thành bằng việc mua bán và thanh toán tiền hàng trong thời gian cần định thì hoạt động đầu tư lại kéo dài với việc tổ chức thực hiện phức tạp hơn để đạt được mục tiêu đặt ra
c. Đầu tư mang tính rủi ro
Do đầu tư là hoạt động phải bỏ ra nguồn lực ban đầu về hướng từ kết quả trong tương lai nên hoạt động này gắn liền với rủi ro, mạo hiểm. Có thể nói, rủi ro là yếu tố song hành của đầu tư và các nhà đầu tư luôn phải đối mặt với nó trong suốt quá trình thực hiện hoạt động đầu tư. Rủi ro có thể tới từ nhiều nguyên nhân: rủi ro tài chính, rủi ro về pháp luật, rủi ro lạm phát, rủi ro thị trường, rủi ro tín dụng, rủi ro thanh khoản… Rủi do có thể xuất phát từ chính những nguyên nhân nội tại của nhà đầu tư, nhưng đa phần là xuất phát từ nguyên nhân mang tính khách quan, nằm ngoài khả năng chiếm hữu của nhà đầu tư, như sự thay đổi về chính sách pháp luật sự biến động của thị trường…Đối với những rủi ro này nếu chỉ căn cứ vào khả năng của nhà đầu tư thì khó có thể hạn chế được, cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, của Chính phủ mới có thể giúp nhà đầu tư giảm thiểu được tác động của rủi ro khi thực hiện hoạt động đầu tư. Chính vì vậy, đây là một trong những yếu tố quan trọng khiến nhà đầu tư cần phải cân nhắc nhiều trước khi quyết định đầu tư.
d. Đầu tư có tính chất sinh lời
Khi thực hiện hoạt động đầu tư, hầu hết các nhà đầu tư đều kỳ vọng ở lợi nhuận thu được. Lợi nhuận này cũng có thể được coi là tiêu chí để đánh giá hiệu quả của hoạt động đầu tư. Hiệu quả trong đầu tư chính là động lực thúc đẩy nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư. Do vậy, để khuyến khích đầu tư, Nhà nước cũng thường đưa ra những biện pháp giúp nhà đầu tư có thể đạt được tối đa hiệu quả đầu tư.
Xem thêm: Cổ phiếu đầu tư công là gì? Các nhóm cổ phiếu đầu tư công 2023 tiềm năng
Xem thêm: Dự án đầu tư công là gì? Phân loại các dự án đầu tư công hiện nay
4. Các chính sách về đầu tư kinh doanh tại Việt Nam
Điều 5 Luật Đầu tư năm 2020 đưa ra các quy định thể hiện chính sách khuyến khích đầu tư kinh doanh:
- Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm.
Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Nhà đầu tư được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật.
Chính sách đầu tư kinh doanh tại Việt Nam hiện nay:
- Nhà đầu tư bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.
- Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư.
- Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế.
- Nhà nước tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về đầu tư mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.
5. Quy định về góp vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Việc góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp dẫn đến nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế phải đáp ứng những điều kiện sau:
- Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
- Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51% vốn điều lệ trở lên;
- Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ từ 51 % vốn điều lệ trở lên.
6. Những ngành, nghề bị cấm đầu tư kinh doanh
Căn cứ pháp lý: Điều 6 Luật đầu tư 2020
Pháp luật hiện hành cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
- Kinh doanh các chất ma túy quy định tại Phụ lục I của Luật này;
- Kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật quy định tại Phụ lục II của Luật này;
- Kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục I của Công ước về buôn bán quốc tế các loài thực vật, động vật hoang dã nguy cấp; mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên quy định tại Phụ lục III của Luật này;
- Kinh doanh mại dâm;
- Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người;
- Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người;
- Kinh doanh pháo nổ;
- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ.
Việc sản xuất, sử dụng sản phẩm ma túy; hóa chất, khoáng vật; mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã trong phân tích, kiểm nghiệm, nghiên cứu khoa học, y tế, sản xuất dược phẩm, điều tra tội phạm, bảo vệ quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Xem thêm: Đầu tư công là gì? Toàn bộ nội dung chi tiết cần biết về Đầu tư công
7. Những ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện
Điều 7 Luật đầu tư 2020 đã quy định rõ về điều kiện đầu tư kinh doanh và các ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, theo đó:
Điều kiện đầu tư kinh doanh phải được quy định phù hợp với lý do quy định tại khoản 1 Luật đầu tư 2020 và phải bảo đảm công khai, minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.
Quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh phải có các nội dung sau đây:
a) Đối tượng và phạm vi áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh;
b) Hình thức áp dụng điều kiện đầu tư kinh doanh;
c) Nội dung điều kiện đầu tư kinh doanh;
d) Hồ sơ, trình tự, thủ tục hành chính để tuân thủ điều kiện đầu tư kinh doanh (nếu có);
đ) Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan có thẩm quyền giải quyết thủ tục hành chính đối với điều kiện đầu tư kinh doanh;
e) Thời hạn có hiệu lực của giấy phép, giấy chứng nhận, chứng chỉ hoặc văn bản xác nhận, chấp thuận khác (nếu có).
Điều kiện đầu tư kinh doanh được áp dụng theo các hình thức sau đây:
a) Giấy phép;
b) Giấy chứng nhận;
c) Chứng chỉ;
d) Văn bản xác nhận, chấp thuận;
đ) Các yêu cầu khác mà cá nhân, tổ chức kinh tế phải đáp ứng để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh mà không cần phải có xác nhận bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền.
Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và điều kiện đầu tư kinh doanh đối với ngành, nghề đó phải được đăng tải trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.
Chính phủ quy định chi tiết việc công bố và kiểm soát điều kiện đầu tư kinh doanh.
Ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện là ngành, nghề mà việc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong ngành, nghề đó phải đáp ứng điều kiện vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.
Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện được quy định tại Phụ lục IV của Luật Đầu tư năm 2020 như:
- Sản xuất con dấu;
- Kinh doanh dịch vụ cầm đồ;
- Kinh doanh dịch vụ xoa bóp;
- Kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường;
- Kinh doanh casino; Hành nghề luật sư;
- Kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế;
- Kinh doanh chứng khoán; Kinh doanh bảo hiểm;
- Kinh doanh rượu;
- Kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp;
- Kinh doanh vận tải hàng không;
- Kinh doanh dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh;
- Kinh doanh vàng;…
8. Các hình thức đầu tư theo pháp luật hiện nay
Căn cứ theo Điều 21 Luật Đầu tư năm 2020 đã quy định rõ các hình thức đầu tư tại Việt Nam. Theo đó, có 4 hình thức đầu tư chính như sau:
- Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế.
- Đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp.
- Thực hiện dự án đầu tư.
- Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
Bên cạnh đó còn có các hình thức đầu tư, loại hình tổ chức kinh tế mới theo quy định của Chính phủ.
a. Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế
Theo Điều 22 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư được thành lập tổ chức kinh tế theo quy định của pháp luật.
Nhà đầu tư nước ngoài thành lập tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật Doanh nghiệp năm 2020.
Trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
b. Đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế
Theo Điều 24 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư có quyền góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế.
Tuy nhiên, để có quyền góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng các quy định, điều kiện:
- Điều kiện tiếp cận thị trường đối với nhà đầu tư nước ngoài quy định tại Điều 9 của Luật Doanh nghiệp năm 2020;
- Bảo đảm quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2020;
- Quy định của pháp luật về đất đai về điều kiện nhận quyền sử dụng đất, điều kiện sử dụng đất tại đảo, xã, phường, thị trấn biên giới, xã, phường, thị trấn ven biển.
Theo khoản 1 Điều 25 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn vào tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
a) Mua cổ phần phát hành lần đầu hoặc cổ phần phát hành thêm của công ty cổ phần;
b) Góp vốn vào công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh;
c) Góp vốn vào tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
Theo khoản 2 Điều 25 Luật Đầu tư 2020, nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần, phần vốn góp của tổ chức kinh tế theo các hình thức sau đây:
a) Mua cổ phần của công ty cổ phần từ công ty hoặc cổ đông;
b) Mua phần vốn góp của thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn để trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn;
c) Mua phần vốn góp của thành viên góp vốn trong công ty hợp danh để trở thành thành viên góp vốn của công ty hợp danh;
d) Mua phần vốn góp của thành viên tổ chức kinh tế khác không thuộc trường hợp quy định tại các điểm a, b và c khoản này
c. Thực hiện dự án đầu tư
Tổ chức kinh tế phải đáp ứng điều kiện và thực hiện thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC nếu tổ chức kinh tế đó thuộc một trong các trường hợp sau đây:
- Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
- Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
- Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Tổ chức kinh tế không thuộc trường hợp trên thực hiện điều kiện và thủ tục đầu tư theo quy định đối với nhà đầu tư trong nước khi đầu tư thành lập tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế khác; đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC.
Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đã được thành lập tại Việt Nam nếu có dự án đầu tư mới thì làm thủ tục thực hiện dự án đầu tư đó mà không nhất thiết phải thành lập tổ chức kinh tế mới.
d. Đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC
Theo khoản 14 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020:
Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế.
Như vậy, đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC là hình thức đầu tư được thiết lập trên cơ sở hợp đồng ký kết giữa các nhà đầu tư nhưng không thành lập pháp nhân mới.
Trong đó, quyền và nghĩa vụ của các bên không có sự ràng buộc về mặt tổ chức như ở các hình thức đầu tư thành lập pháp nhân mới mà chỉ ràng buộc với nhau bởi hợp đồng.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng BCC, các bên tham gia hợp đồng được thỏa thuận sử dụng tài sản hình thành từ việc hợp tác kinh doanh để thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp.
Cơ sở pháp lý
- Các bạn có thể tham khảo thêm tại văn bản mới nhất: Luật Đầu tư năm 2020
Trên đây là bài viết về đầu tư hi vọng phần nào giải đáp thắc mắc của các bạn về câu hỏi đầu tư là gì và các hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Rất mong nhận được góp ý của các bạn, chúc bạn đọc vui vẻ!