Doanh Nghiệp Tư Nhân Là Gì | Lưu Ý Khi Thành Lập DNTN

doanh nghiệp tư nhân

Doanh nghiệp tư nhân là một trong những loại hình doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp lựa chọn để bắt đầu thành lập công ty kinh doanh. Vậy doanh nghiệp tư nhân theo quy định của luật doanh nghiệp như thế nào? Hãy cùng Chia sẻ luật tìm hiểu doanh nghiệp tư nhân – các vấn đề pháp lý.

1. Doanh nghiệp tư nhân là gì?

Tại Điều 188 Luật doanh nghiệp 2020 quy định:

“Điều 188. Doanh nghiệp tư nhân

  1. Doanh nghiệp tư nhân là doanh nghiệp do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp.
  2. Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào.
  3. Mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
  4. Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần.”

Theo đó, doanh nghiệp tư nhân sẽ do cá nhân làm chủ và chịu trách nhiệm quyết định bằng toàn bộ tài sản của mình. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên công ty hợp danh.

2. Đặc điểm của doanh nghiệp tư nhân

2.1. Chủ doanh nghiệp

Doanh nghiệp tư nhân do duy nhất một người làm chủ và có quyền quyết định cao nhất; không có các cổ đông, người góp vốn, thành viên khác…Doanh nghiệp tư nhân do một cá nhân Việt Nam hoặc cá nhân nước ngoài đầu tư vốn, thành lập và làm chủ. Nguồn vốn của doanh nghiệp tư nhân xuất phát từ tài sản của một cá nhân duy nhất.

2.2. Tư cách pháp nhân

Doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân. Doanh nghiệp có tư cách pháp nhân khi có tài sản riêng. Tài sản này là tài sản tách bạch với tài sản cá nhân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, tài sản của doanh nghiệp tư nhân và chủ doanh nghiệp lại không hề độc lập, riêng biệt. Căn cứ theo quy định tại Điều 74, Bộ luật dân sự năm 2015 thì doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân.

2.3. Sự chịu trách nhiệm bằng tài sản

Chủ doanh nghiệp tư nhân chịu trách nhiệm vô hạn về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân phải chịu trách nhiệm thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp bằng toàn bộ tài sản thuộc quyền sở hữu của mình bao gồm cả tài sản trong phạm vi số vốn đầu tư đã đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh; tài sản mà chủ doanh nghiệp tư nhân không đầu tư vào doanh nghiệp trong trường hợp số vốn đầu tư đã đăng ký không đủ để thanh toán các khoản nợ phát sinh từ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân.

Chính vì chế độ trách nhiệm vô hạn của chủ doanh nghiệp tư nhân là mà pháp luật đã có quy định hạn chế quyền thành lập doanh nghiệp khác của chủ doanh nghiệp tư nhân. Theo đó, mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân. Chủ doanh nghiệp tư nhân không được đồng thời là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.

2.4. Huy động vốn và góp vốn

Doanh nghiệp tư nhân không được phát hành bất kỳ loại chứng khoán nào. Điều này đã hạn chế quyền huy động vốn để đầu tư mở rộng quy mô kinh doanh của chủ doanh nghiệp tư nhân. Pháp luật quy định như vậy do bản chất của doanh nghiệp tư nhân. Nếu doanh nghiệp tư nhân được phép phát hành chứng khoán sẽ phá vỡ cấu trúc vốn và cơ cấu số lượng thành viên của doanh nghiệp tư nhân, khi đó, doanh nghiệp tư nhân sẽ không còn là doanh nghiệp theo đúng cái tên của nó nữa mà sẽ chuyển sang loại hình doanh nghiệp nhiều chủ sở hữu khác.

Doanh nghiệp tư nhân không được quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp trong công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc công ty cổ phần

2.5. Cơ cấu tổ chức

Doanh nghiệp tư nhân có cơ cấu tổ chức đơn giản, không phức tạp như các loại hình kinh doanh khác. Chủ doanh nghiệp tư nhân có toàn quyền quyết định đối với các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể tự mình quản lý doanh nghiệp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Như vậy, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp như thế nào còn phụ thuộc vào cách tổ chức, sắp xếp, quản lý của chủ doanh nghiệp tư nhân.

3. Ưu, nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân

3.1. Ưu điểm của doanh nghiệp tư nhân

  • Chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản của mình nên dễ dàng tạo lòng tin với đối tác, khách hàng.
  • Chủ doanh nghiệp toàn quyền quyết định đến hoạt động của doanh nghiệp mà không phải thông qua ai. Do đó, quyết định các vấn đề nhanh gọn, kịp thời.
  • Cơ cấu tổ chức gọn nhẹ, dễ dàng quản lý
  • Dễ dàng bán, chuyển nhượng lại doanh nghiệp cho người khác.

3.2. Nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân

  • Huy động vốn gặp khó khăn do không được ban hành bất cứ loại chứng khoán nào.
  • Chủ doanh nghiệp tư nhân bị hạn chế: không được quyền góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc mua cổ công ty cổ phần.
  • Chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản nên rủi ro sẽ cao

Có thể bạn quan tâm:

4. Thủ tục thành lập doanh nghiệp tư nhân

– Người thành lập doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp trực tiếp hoặc online, qua dịch vụ bưu chính.

Thành phần hồ sơ, bao gồm:

  1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
  2. Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ doanh nghiệp tư nhân.

(Biểu mẫu: Phụ lục I-1 GIẤY ĐỀ NGHỊ ĐĂNG KÝ DOANH NGHIỆP TƯ NHÂN (Thông tư số 01/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp)

– Thời gian giải quyết: Trường hợp nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Phòng Đăng ký kinh doanh cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 03mngày làm việc. Nếu từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo cho người thành lập doanh nghiệp biết bằng văn bản trong thời hạn 03 ngày làm việc.

– Tiến hành làm mẫu dấu và con dấu và nộp thuế môn bài cho doanh nghiệp.

Trên đây là những đặc điểm và ưu nhược điểm của doanh nghiệp tư nhân. Nếu còn thắc mắc, xin vui lòng liên hệ chiaseluat.com để được giải đáp.

Share:

Tóm tắt

Xem thêm

Gửi câu hỏi

Nhận thông tin pháp luật mới nhất

Trang thông tin chia sẻ pháp luật miễn phí

Phone: 0326 111 491
Email: chiaseluat216@gmail.com 

Address: Số 20 Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, HN