Đầu tư công là gì? Toàn bộ nội dung chi tiết cần biết về Đầu tư công

Đầu tư công đóng vai trò quan trọng với tăng trưởng và phát triển kinh tế bền vững ở các quốc gia. Đầu tư công được đầu tư tập trung vào xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội giúp cải thiện kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư tư nhân trong nước và nước ngoài, tạo việc làm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và tăng phúc lợi xã hội. Do đó, bài viết này, Chia sẻ luật sẽ cung cấp toàn bộ những nội dung xoay quanh chủ đề đầu tư công: khái niệm đầu tư công, cơ sở pháp lý về đầu tư công, nguyên tắc, phân loại, bất cập và một số biện pháp giúp hoạt động đầu tư công hiệu quả hơn.

1. Đầu tư công là gì?

Đầu tư công dịch sang tiếng Anh là Public investment

Theo Wikipedia, khái niệm đầu tư công được hiểu là các khoản chi tiêu, đầu tư hoặc thanh toán định kỳ của chính phủ để cung ứng hàng hóa công cộng, chẳng hạn như khi chính phủ bỏ tiền vào phát triển đường sá, trường học, quân sự, v.v…

Bên cạnh đó, Luật đầu tư công năm 2019 áp dụng từ ngày 01/01/2020 cũng quy định rõ khái niệm về đầu tư công tại khoản 15 Điều 4, theo đó:

“Đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước vào các chương trình, dự án và đối tượng đầu tư công khác theo quy định của Luật này.”

 

Như vậy, có thể hiểu đầu tư công là một hoạt động đầu tư của Nhà nước, sử dụng nguồn vốn chủ yếu từ ngân sách Nhà nước để thực hiện thiết kế, xây dựng các dự án kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Quan điểm này khẳng định, đầu tư công phải thoả mãn tới ba yếu tố: chủ thể đầu tư là Nhà nước; nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước (NSNN) và mục tiêu đầu tư để phát triển kinh tế – xã hội

Hoạt động đầu tư công bao gồm lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư; lập, thẩm định, quyết định chương trình, dự án đầu tư công; lập, thẩm định, phê duyệt, giao, triển khai thực hiện kế hoạch, dự án đầu tư công; quản lý, sử dụng vốn đầu tư công; nghiệm thu, bàn giao chương trình, quyết toán dự án đầu tư công; theo dõi và đánh giá, kiểm tra, thanh tra kế hoạch, chương trình, dự án đầu tư công.

Một số từ chuyên ngành liên quan đến đầu tư công như:

Đầu tư công Public investment
Kinh tế Economy
Dự án Project
Giấy phép License
Thời hạn Duration
Vốn nhà nước State capital
Tỷ lệ Ratio

2. Căn cứ pháp lý về đầu tư công?

Hiện nay để tìm hiểu về đầu tư công, bạn có thể tham khảo 2 văn bản pháp luật sau:

3. Đặc điểm đầu tư công

đặc điểm của đầu tư công - Chia sẻ luật
đặc điểm của đầu tư công – Chia sẻ luật

Từ thực tiễn hoạt động đầu tư công ở Việt Nam và các quan niệm về đầu tư công như nói trên, có thể xác định các đặc điểm chung của đầu tư công như sau:

  • Thứ nhất, đầu tư công là hoạt động đầu tư của Nhà nước, từ các tổ chức, cơ quan có chức năng đầu tư theo quy định của pháp luật hiện hành về phân cấp và quyết định đầu tư. Mặc dù có nhiều quan niệm, ý kiến khác nhau về đầu tư công nhưng hầu hết các quan điểm đều có chung một nhận định là, đầu tư công là đầu tư từ Nhà nước, được thực hiện bởi Nhà nước, từ chủ trương, kế hoạch đến phê duyệt hoặc ra quyết định đầu tư và tổ chức, quản lý đầu tư. Tất nhiên, việc thực hiện dự án đầu tư chủ yếu được thực hiện thông qua cơ chế đầu thầu, nhà thầu thắng thầu trong thực hiện các dự án đầu tư của Nhà nước có thể là các DNNN, cũng có thể là các doanh nghiệp khu vực tư nhân hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
  • Thứ hai, nguồn vốn đầu tư cho hoạt động đầu tư công là từ Nhà nước (bao gồm: NSNN, vốn có nguồn gốc từ ngân sách; từ các khoản tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước; các khoản vay nợ của Chính phủ, của chính quyền địa phương…). Đầu tư công bị chi phối chủ yếu bởi chính sách nguồn vốn. Hiện nay, đầu tư công gồm các nguồn vốn chủ yếu là:
    • Vốn từ nguồn NSNN phân cho các bộ ngành, địa phương. Vốn này thường được đầu tư không hoàn lại cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội, phát triển nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường,… Đó là những chương trình, dự án không có khả năng thu hồi vốn hoặc thu hồi vốn chậm.
    • Vốn ngân sách đầu tư theo các chương trình hỗ trợ có mục tiêu. Hiện nay có 02 loại chương trình mục tiêu là chương trình mục tiêu quốc gia và một số chương trình mục tiêu khác do Chính phủ quyết định hoặc cấp địa phương quyết định.
    • Vốn tín dụng đầu tư (vốn cho vay) của Nhà nước có mức độ ưu đãi nhất định. Chính phủ cho vay theo lãi suất ưu đãi bằng nguồn vốn tự có hoặc vốn vay ODA và cho vay lại để đầu tư vào các dự án thuộc lĩnh vực ưu tiên trong kế hoạch nhà nước.
    • Vốn vay trong nước và ngoài nước để dùng cho đầu tư. Vốn vay trong nước là trái phiếu Chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương. Trái phiếu Chính phủ gồm các loại: tín phiếu kho bạc, trái phiếu kho bạc, trái phiếu ngoại tệ, công trái xây dựng Tổ quốc, trái phiếu đầu tư và trái phiếu công trình trung ương.
    • Vốn đầu tư của các DNNN, bao gồm vốn NSNN cấp trực tiếp cho DNNN, vốn có nguồn gốc từ ngân sách và các khoản thu và lợi nhuận của DNNN, vốn vay của doanh nghiệp với sự bảo lãnh của Chính phủ.
    • Vốn hỗn hợp của Nhà nước và của các chủ thể khác: Trong những năm gần đây, xuất phát từ thực tiễn vốn NSNN có hạn, trong khi nhu cầu đầu tư lớn, xuất hiện các hình thức hợp tác công – tư (Public – Private Partnership – PPP), có nghĩa là Nhà nước và tư nhân cùng hợp tác bỏ vốn đầu tư nhằm thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng. Trường hợp này có nên coi là đầu tư công? Xét về bản chất, quan niệm đầu tư công phải từ nguồn vốn nhà nước như nói trên. Tuy nhiên, trong trường hợp này dù vốn nhà nước không lớn, chỉ có tính chất “vốn mồi”, nhưng dự án vẫn được quản lý như là một dự án đầu tư công, mặc dù phương thức đầu tư, quản lý và giám sát đầu tư sẽ có một số điểm khác so với đầu tư công hoàn toàn bằng NSNN. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, để thực hiện quản lý dự án phù hợp, nên quan niệm dự án đầu tư công là dự án trong đó vốn Nhà nước đạt đến một mức độ nhất định nào đó, có thể là từ 30% vốn nhà nước trở lên, như theo quy định của Luật Đấu thầu hoặc có thể là từ trên 51% trở lên như theo quy định của Luật Doanh nghiệp về khái niệm Doanh nghiệp Nhà nước.
  • Thứ ba, mục tiêu của hoạt động đầu tư công là nhằm phát triển kinh tế – xã hội, trong đó chủ yếu là theo đuổi các mục tiêu của chính sách công (đầu tư thành lập các Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) để giữ vị trí then chốt, chủ đạo, đủ khả năng là công cụ của Nhà nước điều tiết nền kinh tế, đồng thời cũng vì các mục tiêu kinh doanh, tạo thu nhập tài chính cho Nhà nước; đầu tư vào các lĩnh vực quan trọng, thiết yếu của nền kinh tế nhưng tư nhân không đầu tư; đầu tư để khoả lấp những “lỗ hổng” của nền kinh tế thị trường, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; hoặc vì các mục tiêu khác của chính sách công như: phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội; tạo việc làm; thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các vùng, miền; phát triển vùng biên giới, hải đảo, gắn chính sách phát triển kinh tế – xã hội với an ninh, quốc phòng…

4. Đối tượng đầu tư công. Dự án đầu tư công là gì?

Đối tượng của đầu tư công là các loại dự án, chương trình phân theo phạm vi của đầu tư công theo các khía cạnh sẽ được phân tích ở phần phân loại đầu tư công.

Tại khoản 13 Điều 4 Luật đầu tư công số 39/2019/QH14 có quy định:

“Dự án đầu tư công là dự án sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn đầu tư công.”

Ví dụ về dự án đầu tư công: việc xây dựng trụ sở làm việc; xây dựng một số cầu mới thay cầu cũ ở Quốc lộ 1 từ Trung Lương đi Mỹ Thuận, Quốc lộ 91 Long Xuyên đi Châu Đốc, cầu cũ dài từ 75m – 200m bắc qua sông, rạch nhỏ lại thay bằng cầu mới dài 500m; một số đường giao thông nội thị, thị xã (thành phố) thuộc tỉnh với quy mô chưa đến 100.000 dân nhưng xây dựng đường với 8 làn xe, 6 làn xe có dải phân cách cứng cây xanh, vườn hoa,… là các dự án đầu tư công.

Đối tượng của đầu tư công có thể là các chương trình, dự án đầu tư sau đây:

  • Dự án, chương trình sử dụng vốn NSNN
  • Dự án sử dụng vốn ODA
  • Dự án sử dụng vốn vay có bảo lãnh của Chính phủ
  • Dự án sử dụng vốn nhà nước không vì mục đích kinh doanh
  • Dự án sử dụng vốn nhà nước có mục đích kinh doanh
  • Dự án có công trình xây dựng
  • Dự án không có công trình xây dựng (mua sắm công)
  • Dự án có nguồn vỗn hỗn hợp công – tư (PPP)

5. Phân loại đầu tư công – Các loại đầu tư công hiện nay

Tùy thuộc vào các tiêu chí khác nhau mà có các cách phân loại khác nhau về đầu tư công. Cụ thể như sau :

  • Xét theo khía cạnh nguồn vốn, đầu tư công bao gồm các hoạt động đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư sử dụng vốn nhà nước vào các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội. Trong đó, vốn nhà nước trong đầu tư công gồm vốn NSNN chi cho đầu tư phát triển theo quy định của Luật NSNN; vốn huy động từ trái phiếu Chính phủ, trái phiếu chính quyền địa phương, công trái quốc gia; vốn tín dụng do Nhà nước bảo lãnh, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước, vốn đầu tư của DNNN. Nếu theo quan điểm này thì trong trường hợp dự án có nguồn vốn hỗn hợp, từ Nhà nước và ngoài Nhà nước thì có được coi là đầu tư công không? Theo một vài ý kiến, đầu tư công là đầu tư có sự tham gia vốn của Nhà nước từ 30% (hoặc 50%) trở lên. Theo tiêu chí nguồn vốn có thể phân đầu tư công thành 05 loại:
    • Đầu tư công sử dụng vốn NSNN (bao gồm cả vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước)
    • Đầu tư công sử dụng vốn có nguồn gốc ngân sách
    • Đầu tư công sử dụng nguồn vốn ODA
    • Đầu tư công sử dụng vốn vay có bảo lãnh của Chính phủ, chính quyền địa phương.
    • Đầu tư công sử dụng nguồn vốn hỗn hợp
  • Xét theo khía cạnh tính chất của dự án, thì có thể phân đầu tư công thành 02 loại:
    • Đầu tư công theo dự án có xây dựng công trình
    • Đầu tư công theo dự án không có xây dựng công trình.
  • Xét theo phạm vi và mục tiêu đầu tư, thì đầu tư công bao gồm 02 loại:
    • Đầu tư công vào các họat động không có khả năng hoàn vốn trực tiếp, vì mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội hơn là mục tiêu lợi nhuận, có tác dụng hình thành các cơ sở hạ tầng kinh tế – xã hội cho phát triển; hỗ trợ, kích thích thu hút các nguồn vốn khác…
    • Là các hoạt động đầu tư vì mục tiêu lợi nhuận (kinh doanh): ví dụ, đầu tư dự án và thành lập DNNN thực hiện dự án đầu tư công (Nhà máy thủy điện Sơn La); đầu tư vào các chương trình, dự án vì mục đích kinh doanh; đầu tư thông qua tổ chức kinh tế do Nhà nước lập ra (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước – SCIC)…

6. Nguyên tắc quản lý đầu tư công

Nguyên tắc quản lý đầu tư công là gì được quy định tại điều 12 Luật đầu tư công năm 2019 như sau:

Điều 12. Nguyên tắc quản lý đầu tư công

1. Tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

2. Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội 05 năm của quốc gia và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

3. Thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

4. Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí.

5. Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công.Các hành vi bị cấm trong đầu tư công

7. Nội dung quản lý Nhà nước về đầu tư công

Điều 13 Luật đầu tư công 2019 cũng quy định rất rõ về các nội dung quản lý nhà nước về đầu tư công, cụ thể:

Điều 13. Nội dung quản lý nhà nước về đầu tư công

1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư công.

2. Xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược, chương trình, kế hoạch, giải pháp, chính sách đầu tư công.

3. Theo dõi, cung cấp thông tin về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.

4. Đánh giá hiệu quả đầu tư công; kiểm tra, thanh tra, giám sát việc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công, việc tuân thủ kế hoạch đầu tư công.

5. Xử lý vi phạm pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công.

6. Khen thưởng cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thành tích trong hoạt động đầu tư công.

7. Hợp tác quốc tế về đầu tư công.

8. Công khai, minh bạch trong đầu tư công là gì? Quy định như thế nào?

Điều 14 Luật đầu tư công cũng quy định rõ ràng về nội dung công khai, minh bạch trong đầu tư công, bao gồm 11 nội dung sau:

  • Chính sách, pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công;
  • Nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công;
  • Nguyên tắc, tiêu chí, căn cứ xác định danh mục dự án trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm;
  • Kế hoạch, chương trình đầu tư công trên địa bàn; vốn bố trí cho từng chương trình theo từng năm, tiến độ thực hiện và giải ngân vốn chương trình đầu tư công;
  • Danh mục dự án trên địa bàn, bao gồm quy mô, tổng mức đầu tư, thời gian, địa điểm; báo cáo đánh giá tác động tổng thể của dự án tới địa bàn đầu tư;
  • Kế hoạch phân bổ vốn đầu tư công trung hạn và hằng năm, bao gồm danh mục dự án và mức vốn đầu tư công bố trí cho từng dự án;
  • Tình hình huy động các nguồn lực và nguồn vốn khác tham gia thực hiện dự án đầu tư công;
  • Tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án;
  • Tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án;
  • Kết quả nghiệm thu, đánh giá chương trình, dự án;
  • Quyết toán vốn đầu tư công.

Lưu ý: Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị phải thực hiện việc công khai các nội dung đầu tư công theo quy định của pháp luật.

Xem thêm: Hợp đồng đầu tư BOT, BTO và BT | Khái niệm, nội dung, đặc điểm chi tiết

9. Các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công là gì?

Các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công là gì - Chia sẻ luật
Các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công là gì – Chia sẻ luật
Các hành vi bị nghiêm cấm trong đầu tư công là gì – Chia sẻ luật

Căn cứ tại Điều 16 Luật đầu tư công 2019 có quy định về các hành vi bị cấm trong đầu tư công đó là:

  • Quyết định chủ trương đầu tư không phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch; không đúng thẩm quyền; không đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật; không cân đối được nguồn vốn đầu tư.
    Quyết định đầu tư chương trình, dự án khi chưa được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư hoặc không đúng với chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Quyết định điều chỉnh tổng vốn đầu tư của chương trình, tổng mức đầu tư của dự án trái với quy định của pháp luật về đầu tư công.
  • Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, vụ lợi, tham nhũng trong quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
  • Chủ chương trình, chủ đầu tư thông đồng với tổ chức tư vấn dẫn tới quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư chương trình, dự án gây thất thoát, lãng phí vốn, tài sản của Nhà nước, tài nguyên của quốc gia; làm tổn hại, xâm phạm lợi ích của công dân và của cộng đồng.
  • Đưa, nhận, môi giới hối lộ.
  • Yêu cầu tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn đầu tư khi chương trình, dự án chưa được quyết định chủ trương đầu tư, chưa được phê duyệt hoặc chưa được bố trí vốn kế hoạch, gây nợ đọng xây dựng cơ bản.
  • Sử dụng vốn đầu tư công không đúng mục đích, không đúng đối tượng, vượt tiêu chuẩn, định mức theo quy định của pháp luật.
  • Làm giả, làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.
  • Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin không đúng, không trung thực, không khách quan ảnh hưởng đến việc lập, thẩm định, quyết định kế hoạch, chương trình, dự án.
  • Cố ý báo cáo, cung cấp thông tin không đúng, không trung thực, không khách quan ảnh hưởng đến việc theo dõi, đánh giá, kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm trong triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, dự án.
  • Cố ý hủy hoại, lừa dối, che giấu hoặc lưu giữ không đầy đủ tài liệu, chứng từ, hồ sơ liên quan đến quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, triển khai thực hiện chương trình, dự án.
  • Cản trở việc phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về đầu tư công.

Xem thêm bài viết: Nguồn vốn đầu tư công gồm những loại nào?

10.Vai trò của đầu tư công đối với nền kinh tế Việt Nam

Từ lâu, người ta đã mặc định rằng thúc đẩy đầu tư công chính là động lực vô cùng to lớn để phát triển kinh tế, chính trị, xã hội tại Việt Nam, giúp cho nền kinh tế có được sự tăng trưởng tốt bảo đảm cuộc sống của người dân và cộng đồng sinh sống tại Việt Nam. Qua các khảo sát cũng như nghiên cứu qua lý thuyết và thực tế từ năm 1995 cho đến nay đã khẳng định rằng đầu tư công có vai trò đặc biệt quan trọng đến sự phát triển của Việt Nam.

Đầu tư được coi là động lực chính thức thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và bản chất của mối quan hệ này đã được nghiên cứu trong nhiều nghiên cứu mang tính lý thuyết và thực nghiệm. Nhiều nghiên cứu ngoài nước phân biệt giữa đầu tư tư nhân và đầu tư công, theo đó đầu tư công thường được cho là đầu tư cho kết cấu hạ tầng. Việc phân biệt như vậy rất có ý nghĩa vì đầu tư cho kết cấu hạ tầng có những điểm khác biệt với nguồn vốn được sử dụng trong các doanh nghiệp.

Kết cấu hạ tầng là vốn tồn tại bên ngoài doanh nghiệp và hỗ trợ hoạt động kinh tế của các doanh nghiệp cũng như các hoạt động của các cá nhân. Do vậy, nhiều doanh nghiệp và cá nhân trong một khu vực có hưởng lợi từ kết cấu hạ tầng đó mà không mất thêm chi phí hoặc ít nhất với chi phí thấp hơn nếu kết cấu hạ tầng đó phải được cung cấp cho người sử dụng thêm đó, nên kết cấu hạ tầng có thể coi như cung cấp những lợi ích ngoại lai cho những người sử dụng đó.

Tại Việt Nam, Luật Đầu tư công được ban hành vào năm 2014, trong đó có định nghĩa đầu tư công không bao gồm nguồn vốn của các doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, đầu tư công chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng đầu tư và đóng vai trò quan trọng, quyết định tốc độ tăng trưởng của đầu tư nói chung.

Trong giai đoạn 1995-2013, đầu tư công chiếm 40% tổng đầu tư, cao gấp đôi tỷ trọng FDI và đầu tư tư nhân. Sau khi giảm nhẹ trong năm 2010, năm 2011 tỷ trọng đầu tư công đã phục hồi đạt mức cao của năm 2009 (40,4% tổng vốn đầu tư). Tốc độ tăng trưởng 7,5% trong năm 2013 cũng tương quan mạnh mẽ với mức tăng trưởng đầu tư 7,3% của năm đó. Bất chấp sự tăng trưởng nhanh chóng này, cơ cấu đầu tư công vẫn được coi là có vấn đề ở chỗ là nó quá tập trung vào doanh nghiệp nhà nước. Do vậy, có hiện tượng chèn ép đầu tư tư nhân và ít thu hút được các loại hình đầu tư khác.

11. Bất cập về đầu tư công

Thực tiễn đầu tư công ở Việt Nam trong nhiều năm qua cũng còn tồn tại nhiều hạn chế, yếu kém, như: đầu tư quá ôm đồm, dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm; đầu tư theo phong trào, thiếu quy hoạch, kế hoạch, đặc biệt là không có kế hoạch đầu tư trung hạn; chi phí đầu tư lớn, suất đầu tư còn ở mức cao; quản lý, giám sát, đánh giá đầu tư còn lỏng lẻo, thiếu cơ chế kiểm soát hữu hiệu dẫn đến thất thoát, lãng phí và cuối cùng là hiệu quả kinh tế kém.

Tình trạng đầu tư dàn trải, chậm tiến độ, tăng tổng mức đầu tư, chất lượng công trình, dự án thấp vẫn chưa được xử lý triệt để. Chưa thực sự chú trọng đến việc phân bổ nguồn lực một cách hợp lý giữa các vùng, ngành, lĩnh vực để tạo sự lan tỏa, làm động lực cho nền kinh tế. Tổng số vốn ứng trước NSNN và trái phiếu Chính phủ chưa có nguồn thu hồi còn khá lớn. Nhiều bộ, ngành và địa phương có số vốn ứng trước vượt quá kế hoạch được giao hàng năm. Nợ xây dựng cơ bản phát sinh chủ yếu từ các dự án đầu tư công của địa phương (chiếm 93,8% tổng số nợ đọng) là hiện tượng cần được xem xét nghiêm túc cả về quy hoạch và kỷ luật ngân sách.

Trong kế hoạch trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2011-2015 có 807/873 dự án giao thông, thủy lợi, y tế đang đầu tư dở dang. Qua khảo sát tại một số địa phương, cho thấy việc đầu tư vào các dự án chưa dựa trên việc xác định, xem xét thấu đáo tính ưu tiên của các dự án. Một số dự án được bố trí kế hoạch, nhưng đến hết thời hạn quy định vẫn không thực hiện và giải ngân hết số vốn kế hoạch được giao, phải xin kéo dài thời gian thanh toán sang năm sau.

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, đầu tư công có nhiều đặc thù so với các nước phát triển, đặc biệt chú ý đến 02 khía cạnh: đầu tư công của Nhà nước nhằm tìm kiếm lợi nhuận; đầu tư công có sự tham gia vốn của tư nhân…

Do vậy, ngoài việc tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả của việc sử dụng vốn nhà nước vào đầu tư công, cũng cần chú ý đến việc hình thành các cơ chế quản lý phù hợp với các dự án đầu tư công đặc thù, nhất là đối với các dự án sử dụng vốn hỗn hợp (BOT, BTO, BT, BOO, PPP), các dự án theo cơ chế đổi đất lấy hạ tầng (công trình)… Tư nhân bỏ vốn đầu tư các công trình dự án của Nhà nước và được Nhà nước cho thu phí hoàn vốn và có lãi, hoặc được Nhà nước cho hưởng những cơ chế, chính sách đặc biệt khác.

>> Xem thêm:Hợp đồng đầu tư BOT, BTO và BT

Thực trạng hoạt động đầu tư công và chính sách về đầu tư công hiện nay đặt ra yêu cầu tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống chính sách về đầu tư công, nhằm cơ cấu lại đầu tư công, nâng cao chất lượng, hịêu quả hoạt động đầu tư công; cần hoạch định và ban hành văn bản pháp luật về đầu tư công bảo đảm được tính hệ thống, tính hợp lý, tính khả thi và mang lại hiệu quả điều chỉnh cao.

12. Một số giải pháp giúp hoạt động đầu tư công hiệu quả

Các văn bản pháp luật điều chỉnh về đầu tư công trong thời gian qua đã được hình thành và từng bước được sửa đổi, bổ sung nhưng còn phân tán, chưa được hình thành một hệ thống chính sách đầy đủ, nhất quán và thống nhất.

Luật và văn bản dưới luật về đầu tư công khá nhiều nhưng cũng còn nhiều hạn chế, bất cập, như: chồng lấn, trùng lắp, thậm chí mâu thuẫn giữa các luật; nhiều quy định bất hợp lý, không phù hợp hoặc không theo kịp với những biến chuyển của các quan hệ kinh tế và nhu cầu phát triển kinh tế; tính khả thi không cao do thiếu điều kiện thực thi hoặc không phù hợp với thực tiễn đầu tư; đồng thời cũng còn nhiều lĩnh vực còn bị bỏ ngỏ chưa có các quy định điều chỉnh hoặc văn bản có giá trị pháp lý thấp.

Để hoàn thiện pháp luật đầu tư công về mặt hình thức, cần áp dụng một số nội dung:

Thứ nhất, về mặt hình thức, cần phải hệ thống hoá một cách toàn diện các văn bản pháp luật điều chỉnh về đầu tư công, trên cơ sở đó phân tích, đánh giá thực trạng các quy định hiện hành, tìm ra những hạn chế, yếu kém để tiến tới nâng cấp một bước các quy định pháp luật trong lĩnh vực này, khắc phục những chồng chéo, mâu thuẫn, những bất hợp lý, không khả thi hoặc những lỗ hổng của pháp luật.

Tiếp đó là tiến hành pháp điển hoá lĩnh vực pháp luật về đầu tư công theo cả 02 hướng:

  • Xây dựng, ban hành mới hai đạo luật điều chỉnh về đầu tư công với phạm vi, đối tượng điều chỉnh như sau: Luật Đầu tư công điều chỉnh các hoạt động đầu tư công của Nhà nước đối với các công trình, dự án không nhằm mục đích kinh doanh; Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanhđiều chỉnh các hoạt động đầu tư công của Nhà nước nhằm mục đích kinh doanh (chủ yếu là mảng đầu tư của các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN);
  • Sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành liên quan đến đầu tư công, gồm: Luật NSNN, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Quản lý và sử dụng tài sản nhà nước… theo hướng: phân định rạch ròi phạm vi điều chỉnh, mối quan hệ của các luật này với hai đạo luật mới về đầu tư công nói trên; mỗi luật có phạm vi và đối tượng điều chỉnh riêng, bất luận trong trường hợp nào cũng phải loại bỏ các quy định chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật.

Thứ hai, về phương diện nội dung, chính sách đầu tư công cần được đổi mới theo hướng là chính sách, là công cụ để Nhà nước thực hiện các chính sách công về xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội hoàn chỉnh, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Cần xác định rõ đầu tư công không phải là công cụ chủ yếu để Nhà nước đầu tư, tìm kiếm lợi nhuận. Cần có kế hoạch cơ cấu lại đầu tư công theo hướng thu hẹp dần phạm vi của đầu tư công, hạn chế đến mức thấp nhất việc Nhà nước thực hiện đầu tư công vì mục tiêu kinh doanh; đặt mục tiêu đạt hiệu quả cao nhất, chống đầu tư dàn trải, không tập trung, không hiệu quả.

Đầu tư công chủ yếu phục vụ các mục tiêu của chính sách công, khoả lấp những khuyết tật của kinh tế thị trường, là động lực lôi kéo, thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân; đầu tư công phải được thực hiện trên cơ sở quy hoạch, kế hoạch.

Cần có kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm với danh mục các dự án, công trình được ưu tiên thực hiện theo tiến độ thời gian, có trọng tâm, trọng điểm. Kế hoạch đầu tư công phải được xây dựng trên cơ sở kế hoạch ngân sách đã được duyệt; phân cấp đầu tư công phải hợp lý.

Cấp nào được quyết định đầu tư thì cấp đó có trách nhiệm thu xếp nguồn vốn đầu tư và chịu trách nhiệm về quản lý, giám sát đầu tư cũng như hiệu quả đầu tư; cần có cơ chế giám sát, đánh giá hiệu quả đầu tư phù hợp, gắn với trách nhiệm của cơ quan, người có thẩm quyền quyết định trong đầu tư công một cách rõ ràng, đi liền với các chế tài và việc thực hiện chế tài đối với các vi phạm một cách nghiêm túc; cần nâng cao năng lực của các thiết chế có liên quan đến đầu tư công, như: tư vấn thiết kế, giám sát; kế toán; kiểm toán; quản lý thực hiện dự án…; nâng cao tính tự chịu trách nhiệm và chế tài tương ứng đối với các thiết chế này, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả của đầu từ công

Trên đây là toàn bộ nội dung kiến thức cần biết về đầu tư công, bài viết có trích dẫn từ Luật đầu tư công 2019 hiện đang áp dụng hiện hành 2022. Các bạn có thể tham khảo thêm tại các nguồn văn bản luật liên quan để hiểu rõ hơn. Chia sẻ luật hi vọng bạn đã nắm được phần nào kiến thức về đầu tư công từ đó áp dụng trong công việc và cuộc sống hiệu quả hơn!

Share:

Tóm tắt

Xem thêm

Gửi câu hỏi

Nhận thông tin pháp luật mới nhất

Trang thông tin chia sẻ pháp luật miễn phí

Phone: 0326 111 491
Email: chiaseluat216@gmail.com 

Address: Số 20 Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, HN