Bồi Thường Và Trợ Cấp Tai Nạn Lao Động | Bao Nhiêu Theo Luật Định?

Bồi Thường Và Trợ Cấp Tai Nạn Lao Động

Trong quá trình làm việc, đôi khi người lao động cũng có thể xảy ra các trường hợp không mong muốn. Tai nạn lao động có thể nặng hay nhẹ nhưng liệu đến mức nào sẽ được bồi thường và hưởng trợ cấp tai nạn lao động? Hãy cùng Chiaseluat tìm hiểu thêm về tai nạn lao động và những trường hợp cụ thể nhé.

1. Cơ sở pháp lý

  • Luật an toàn vệ sinh lao động 2015
  • Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH

2. Tổng quan tai nạn lao động

2.1. Khái niệm tai nạn lao động

Trong đời sống, bạn có thể hiểu tai nạn là những rủi ro bất ngờ xảy ra, thường gây thiệt hại cho con người. Ở bất cứ trường hợp nào, để bảo vệ quyền và lợi ích của mình, mỗi người nên biết rõ đâu là tai nạn lao động và đến mức nào sẽ được hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động. Tại khoản 8 Điều 3 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 có quy định như sau:

“8. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.”

Tai nạn lao động là gì
Tai nạn lao động là gì

Theo đó, vụ việc tai nạn được coi là tai nạn lao động khi xảy ra trong quá trình lao động, gắn với thực hiện công việc, nhiệm vụ được giao khiến cho người lao động bị tổn thương bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc nguy hiểm hơn là gây tử vong cho chính họ.

2.2. Đối tượng được áp dụng tai nạn lao động

Tai nạn lao động không chỉ áp dụng đối với người lao động đang làm việc chính thức mà còn đối với cả người học nghề, tập nghề và thử việc. Người sử dụng lao động sẽ phải trợ cấp cho thân nhân của người lao động bị chết do tai nạn lao động nếu nguyên nhân xảy ra tai nạn lao động hoàn toàn do lỗi của chính người lao động bị nạn gây ra căn cứ theo kết luận của biên bản điều tra tai nạn lao động (khoản 1 Điều 4 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH); Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động sẽ không chi trả.

Pháp luật nghiêm cấm việc che giấu, khai báo hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, không thực hiện các yêu cầu, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động gây tổn hại hoặc có nguy cơ gây tổn hại đến người, tài sản, môi trường; buộc người lao động phải làm việc hoặc không được rời khỏi nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ hoặc buộc người lao động tiếp tục làm việc khi các nguy cơ đó chưa được khắc phục. (khoảng 1 Điều 12 Luật an toàn vệ sinh lao động).

Xem thêm: [MỚI] HỖ TRỢ TỚI 1 TRIỆU ĐỒNG/THÁNG TIỀN THUÊ NHÀ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

3. Khi nào được bồi thường, hưởng trợ cấp tai nạn lao động

Căn cứ theo quy định tại Điều 45 Luật này, người lao động sẽ được hưởng bồi thường tai nạn lao động hay trợ cấp tai nạn lao động khi có đủ điều kiện sau:

  • Bị tai nạn khi thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

Khi nào được bồi thường, hưởng trợ cấp tai nạn lao động
Khi nào được bồi thường, hưởng trợ cấp tai nạn lao động

+ Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

+ Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý.

  • Và suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên đối với các trường hợp trên.
  • Người lao động sẽ không được hưởng từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động khi do lỗi của người lao động, cụ thể:

+ Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;

+ Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

+ Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

Xem thêm: 8 ĐIỂM MỚI CỦA BỘ LUẬT LAO ĐỘNG CÓ LỢI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

4. Mức hưởng bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động

Người lao động được hưởng bảo hiểm tai nạn lao động từ 2 quỹ: Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động và quỹ của người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Căn cứ theo quy định tại Điều 38 và mục 3, chương III của Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 thì, người lao động sẽ nhận được mức hưởng tai nạn lao động như sau:

4.1. Mức hưởng do quỹ bảo hiểm tai nạn lao động chi trả

Mức hưởng tai nạn lao động sẽ thay đổi dựa trên mức độ suy giảm khả năng lao động của người lao động.

  • Suy giảm từ 5% đến 30%: Hưởng trợ cấp 1 lần.
  • Suy giảm 5% hưởng 05 lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

Hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH: Từ 01 năm trở xuống được 0,5 tháng, cứ thêm mỗi năm được thêm 0,3 tháng tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

Ví dụ: Ông A là công chức bị tai nạn lao động ngày 16 tháng 6 năm 2021. Sau khi điều trị ổn định thương tật, ra viện ngày 05 tháng 7 năm 2021. Ông A được giám định có mức suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động là 20%. Ông A có 10 năm đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; mức tiền lương đóng bảo hiểm vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tháng 5 năm 2021 theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định với hệ số là 3,66. Mức lương cơ sở tại thời điểm tháng 7 năm 2021 là 1.490.000 đồng, thì mức trợ cấp tai nạn lao động một lần đối với ông A được tính như sau:

– Mức trợ cấp tính theo mức suy giảm khả năng lao động:

5 x 1.490.000 + (20 – 5) x 0,5 x 1.490.000 = 18.625.000 (đồng)

– Mức trợ cấp tính theo số năm đóng quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp:

0,5 x 3,66 x 1.490.000 + (10 – 1) x 0,3 x 3,66 x 1.490.000 = 17.450.880 (đồng).

– Mức trợ cấp một lần của ông A là:

18.625.000 + 17.450.880 = 36.075.880 (đồng)

  • Suy giảm từ 31% trở lên: trợ cấp hàng tháng.

+ Suy giảm 31% hưởng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

+ Hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng BHXH: Từ 01 năm trở xuống được 0,5%, cứ thêm mỗi năm được thêm 0,3% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ việc để điều trị.

  • Suy giảm từ 81% trở lên mà bị ti liệt cột sống, mù 2 mắt, cụt, liệt 2 chi hoặc bị tâm thần: trợ cấp phục vụ

Ngoài mức hưởng quy định trợ cấp hàng tháng thì người lao động còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở

  • Nếu người lao động chết: trợ cấp 1 lần:

Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động thì thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng 36 lần mức lương cơ sở.

  • Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau điều trị

Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày.

+ Mức hưởng một ngày bằng 25% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại gia đình; bằng 40% mức lương cơ sở nếu nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe tại cơ sở tập trung.

  • Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình:

Ngoài các khoản trợ cấp bằng tiền, người lao động bị tai nạn lao động mà tổn thương chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình tùy theo tình trạng thương tật.

Xem thêm: Tăng Tuổi Nghỉ Hưu Của Người Lao Động | Thay Đổi Chính Sách BHXH 2022

4.2. Mức hưởng do công ty chi trả

Người sử dụng lao động sẽ phải trả các chi phí và bồi thường, trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động như sau:

  • Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi người lao động được điều trị ổn định:

+ Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

+ Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5%.

+ Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế.

  • Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động khi phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động.
  • Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức:

+ Suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%:  Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương

+ Suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%: Cứ tăng 1% sẽ được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương (sau khi đã trừ đi dưới 10%). Tính theo công thức:

Mức bồi thường = 1,5 + ((Phần trăm suy giảm khả năng lao động – 10) x 0,4)

Số tiền bồi thường = Mức bồi trường x tháng tiền lương.

+ Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Ít nhất bằng 30 tháng tiền lương.

  • Mức trợ cấp mà người sử dụng lao động phải trả cho người lao động như sau:

+ Suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 10%: Ít nhất bằng 0,6 tháng tiền lương.

+ Suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80% thì tính theo công thức dưới đây:

Mức trợ cấp này = Mức bồi thường x 0,4, tức là:

Mức trợ cấp này = (1,5 + ((Phần trăm suy giảm khả năng lao động – 10) x 0,4)) x 0,4

Ví dụ: Ông B bị tai nạn lao động lần thứ nhất do ông B đã vi phạm quy định về an toàn lao động, không do lỗi của ai khác. Giám định sức khỏe xác định mức suy giảm khả năng lao động của ông B là 15% do vụ tai nạn này. Mức trợ cấp lần thứ nhất cho ông B là: Mức trợ cấp = (1,5 + ((15-10) x 0,4)) x 0,4 = 3,5 x 0,4 =1,4 (tháng tiền lương).

+ Suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Ít nhất 12 tháng tiền lương.

Tiền lương làm căn cứ bồi thường tai nạn lao động từ ngày 01/03/2022 mới nhất:

BỒI THƯỜNG VÀ TRỢ CẤP TAI NẠN LAO ĐỘNG
BỒI THƯỜNG VÀ TRỢ CẤP TAI NẠN LAO ĐỘNG

“Tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp quy định tại Điều 3, Điều 4 Thông tư này và tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc điều trị, phục hồi chức năng theo quy định tại khoản 3 Điều 38 Luật An toàn, vệ sinh lao động được tính bình quân của 6 tháng liền kề trước khi xảy ra tai nạn lao động hoặc trước khi bị bệnh nghề nghiệp.

Nếu thời gian làm việc, học nghề, tập nghề, thử việc, tập sự không đủ 6 tháng thì tiền lương làm căn cứ thực hiện bồi thường, trợ cấp là tiền lương được tính bình quân của các tháng trước liền kề thời điểm xảy ra tai nạn lao động hoặc thời điểm xác định bị bệnh nghề nghiệp”

Đối với từng đối tượng sẽ được xác định như cụ thể như:

+ Đối với cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân thì mức tiền lương tháng bao gồm tiền lương cấp bậc, chức vụ và các khoản phụ cấp (nếu có) liên quan đến tiền lương (phụ cấp chức vụ, phụ cấp thâm niên nghề, phụ cấp thâm niên vượt khung).

+ Đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động thì mức tiền lương tháng bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác mà hai bên đã xác định trong hợp đồng lao động.

+ Đối với người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động có mức lương học nghề, tập nghề thì mức lương tháng là tiền lương học nghề, tập nghề do hai bên thỏa thuận; trong trường hợp không có mức lương học nghề, tập nghề thì tiền lương làm căn cứ bồi thường, trợ cấp quy định tại khoản 1 Điều này là mức lương tối thiểu do Chính phủ công bố tại địa điểm người học nghề, tập nghề làm việc.

+ Đối với công chức, viên chức trong thời gian tập sự thì mức lương tháng là tiền lương tập sự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

+ Đối với người lao động đang trong thời gian thử việc thì mức lương tháng là tiền lương thử việc do hai bên thỏa thuận theo quy định của Bộ luật Lao động áp dụng.

5. Thời điểm được hưởng trợ cấp tai nạn lao động

Theo quy định tại Điều 50 Luật an toàn, vệ sinh lao động, người lao động được hưởng trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hằng tháng khi tai nạn lao động từ khi:

Từ tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.

Trường hợp không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện: Tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa

Trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp: Tính từ tháng người lao động được cấp Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

Thời hạn thự hiện bồi thường, trợ cấp được quy định tại Điều 7 Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH như sau:

– Quyết định bồi thường, trợ cấp của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải được hoàn tất trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được biên bản giám định của Hội đồng Giám định Y khoa về mức độ suy giảm khả năng lao động đối với những vụ tai nạn lao động nặng hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh hoặc cấp trung ương tổ chức cuộc họp công bố Biên bản điều tra tai nạn lao động tại cơ sở đối với những vụ tai nạn lao động chết người.

– Tiền bồi thường, trợ cấp phải được thanh toán một lần cho người lao động hoặc thân nhân của họ, trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày người sử dụng lao động ra quyết định bồi thường, trợ cấp.

6. Thủ tục hưởng chế độ tai nạn lao động

Hồ sơ hưởng bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động như sau:

  • Biên bản điều tra tai nạn lao động, biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở, cấp tỉnh, hoặc Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương.
  • Biên bản giám định y khoa (văn bản xác định mức độ suy giảm khả năng lao động do tai nạn lao động hoặc tỷ lệ tổn thương cơ thể do tai nạn lao động) hoặc biên bản xác định người lao động bị chết của cơ quan pháp y hoặc tuyên bố chết của tòa án đối với những trường hợp mất tích.
  • Quyết định bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động của người sử dụng lao động (theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH).
  • Văn bản xác nhận bị tai nạn trên đường đi và về (nếu có), đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 5 Điều 35 Luật An toàn, vệ sinh lao động. Nội dung văn bản xác nhận tham khảo theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư 28/2021/TT-BLĐTBXH.

– Hồ sơ được lập thành 3 bộ, trong đó:

+  Người sử dụng lao động giữ một bộ.

+  Người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp (hoặc thân nhân của người lao động bị chết do tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp) giữ một bộ.

+  Một bộ gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương nơi doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức có trụ sở chính, trong vòng 10 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định bồi thường tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc trợ cấp tai nạn lao động.

Công ty sẽ lập hồ sơ cho người lao động và nộp tại Cơ quan bảo hiểm xã hội nơi công ty có trụ sở đăng ký hoặc qua dịch vụ bưu chính, cổng thông tin điện tử. Người sử dụng lao động sẽ nhận kết quả trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính, cổng giao dịch điện tử của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Người lao động sẽ nhận tiền qua số tài khoản hoặc trực tiếp tại cơ quan bảo hiểm xã hội.

Trên đây là những hướng dẫn và giải đáp về tai nạn lao động, mức hưởng tai nạn lao động và những vấn đề cần lưu ý. Nếu cần hỗ trợ, bạn có thể liên hệ trực tiếp Chiaseluat theo Hotline tại trang này.

Share:

Tóm tắt

Xem thêm

Gửi câu hỏi

Nhận thông tin pháp luật mới nhất

Trang thông tin chia sẻ pháp luật miễn phí

Phone: 0326 111 491
Email: chiaseluat216@gmail.com 

Address: Số 20 Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, HN