Tuổi Nghỉ Hưu Hiện Nay Là Bao Nhiêu | Tính Lương Hưu Chi Tiết

Độ tuổi hưởng lương hưu hiện nay

Bộ luật lao động 2019 ra đời và có hiệu lực từ ngày 01/01/2021 đã có nhiều những thay đổi phù hợp với tình hình doanh nghiệp và người lao động hiện tại. Trong đó, quy định về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động đã có những thay đổi đáng kể. Vậy tuổi nghỉ hưu mới nhất hiện nay là gì? Hãy cùng chiaseluat.com giải đáp nhé.

1. Căn cứ pháp lý

  • Bộ luật lao động 2019
  • Nghị định số 135/2020/NĐ-CP
  • Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH
  • Nghị định 134/2015/NĐ-CP

2. Tuổi nghỉ hưu mới nhất

2.1. Tuổi nghỉ hưu đối với lao động làm việc trong điều kiện bình thường

Tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật lao động 2019 quy định như sau:

“2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.”

Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động (NLĐ) trong điều kiện lao động bình thường. năm 2021 được quy định là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam cho đến khi đủ 62 tuổi vào năm 2028 và cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với lao động nữ cho đến khi đủ 60 tuổi vào năm 2035. Lộ trình mức tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ theo bảng sau:

nghỉ hưu đúng tuổi
nghỉ hưu đúng tuổi

2.2. Nghỉ hưu trước tuổi

Ngoài ra, tuổi nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường của NLĐ theo Khoản 3, Điều 169 của Bộ luật Lao động.

“3. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

Theo đó, NLĐ có từ đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ LĐ-TB&XH ban hành; NLĐ có từ đủ 15 năm trở lên làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021. Tuy nhiên, những trường hợp nêu trên không quá 05 tuổi so với tuổi nghỉ hưu tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Quy định về công việc nặng nhọc, độc hại được quy định tại Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH gồm có 1.838 nghề, công việc được về hưu trước tuổi.

Ngoài ra, những người sau đây cũng được nghỉ hưu trước 05 tuổi (Điều 5 Nghị định 135/2020/NĐ-CP)

  • Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%
  • Người lao động có tổng thời gian làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành và thời gian làm việc ở vùng quy định tại điểm b khoản này từ đủ 15 năm trở lên.

Tuổi nghỉ hưu thấp nhất được quy định như sau:

Nghỉ hưu trước tuổi
Nghỉ hưu trước tuổi

Trường hợp khác được nghỉ hưu sớm 10 năm so với quy định khi thuộc một trong các trường hợp sau (tại khoản 1 Điều 219 Bộ luật lao động 2019)

  • Có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò.
  • Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.
  • Công an, bộ đội có đủ 15 năm làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc có đủ 15 năm làm việc ở vùng đặc biệt khó khăn bao gồm cả thời gian làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên trước ngày 01/01/2021.

Nghỉ hưu mà không cần xét đến tuổi khi thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Người bị nhiễm HIV do tai nạn rủi ro nghề nghiệp trong khi thực hiện nhiệm vụ được giao.
  • Người lao động có đủ 15 năm trở lên làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên.
  • Nghỉ hưu ở độ tuổi cao hơn bình thường

Tại khoản 5 Điều 169 Bộ luật lao động 2019 quy định về người lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn nhưng không quá 05 tuổi so với quy định tại khoản 2 Điều này tại thời điểm nghỉ hưu, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Trong đó:

  • Người lao động có thể nghỉ hưu ở tuổi cao hơn khi thỏa thuận với người sử dụng lao động tiếp tục làm việc sau tuổi nghỉ hưu quy định đối với tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường.
  • Việc chấm dứt hợp đồng lao động và giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động quy định tại khoản 1 Điều này thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương III của Bộ luật Lao động và quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội.

3. Cách tính lương hưu đối với lao động

3.1. Tính lương hưu đối với người đóng BHXH bắt buộc

Đối với người lao động (NLĐ) tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nghỉ hưu trong khoảng thời gian từ ngày 01/01/2022 đến hết 31/12/2022, cách tính lương hưu hàng tháng của NLĐ được tính như sau:

Mức lương hưu hàng tháng = [Tỷ lệ (%)hưởng lương hưu hàng tháng] x [Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH]

Trong đó:

Mức hưởng lương hưu hàng tháng được xác định theo tỷ lệ % lương tháng đóng BHXH và mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH. Tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hàng tháng tối đa của NLĐ khi về hưu là 75% mức lương đóng BHXH.

  • Cách xác định tỷ lệ % hưởng lương hưu hàng tháng

Đối với lao động nam:

  • Trường hợp bắt đầu hưởng lương hưu từ 01/01/2022 người lao động đóng đủ 20 năm BHXH thì có tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng là 45%.
  • NLĐ sau khi đóng đủ số năm quy định để được hưởng lương hưu thì cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%.

Đối với lao động nữ:

  • Trường hợp bắt đầu hưởng lương hưu từ 01/01/2022 người lao động đóng đủ 20 năm BHXH thì có tỷ lệ hưởng lương hưu hàng tháng là 45%.
  • Sau đó, cứ cứ thêm mỗi năm đóng BHXH, được tính thêm 2%.

3.2. Cách tính mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH

Mức bình quân tiền lương được tính theo công thức:

Mức bình quân tiền lương (BQTL) = Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (T) của thời gian năm cuối trước khi nghỉ việc / (Tx12 tháng).

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 62 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, có quy định cách tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội để tính lương hưu, trợ cấp một lần như sau:

Nếu người lao động thuộc đối tượng đang thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương này thì bình quân của tiền lương tháng của số năm người lao động đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ hưu:

– Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

– Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến ngày 31 tháng 12 năm 2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

– Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 đến ngày 31 tháng 12 năm 2006 thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

– Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2007 đến ngày 31 tháng 12 năm 2015 thì tính bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

– Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2016 đến ngày 31 tháng 12 năm 2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

– Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2020 đến ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

– Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của cả thời gian.

Đối với mức bình quân người lao động đóng BHXH tự nguyện sẽ được tính:

M (bqtl)= Tổng số tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội/Tổng số tháng đóng bảo hiểm xã hội

Đối với trường hợp người lao động vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định:

Mức bình quân tiền lương (bqtl) = (Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH theo chế độ tiền lương do nhà nước quy định + Tổng số tiền lương tháng đóng BHXH theo chế độ tự nguyện) / Tổng số tháng đóng bảo BHXH

Chú ý:

Nếu người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu là 75% thì khi được nghỉ hưu, ngoài lương hưu mà người lao động được hưởng còn được hưởng trợ cấp một lần.

Với mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, theo đó mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng là 0,5 tháng bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.

4. Cách tính lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi

Trường hợp NLĐ hưởng lương chế độ hưu trí trước tuổi quy định do suy giảm khả năng lao động theo quy định thì tỷ lệ (%) hưởng lương hưu hàng tháng được tính như trên, sau đó cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi quy định thì giảm 2%.

Như vậy, với cùng mức đóng BHXH là 20 năm thì lao động nam nghỉ hưu năm 2021 được tính tỷ lệ hưởng lương hưu là 47%, trong khi nghỉ hưu năm 2022 lao động nam chỉ được tính hưởng 45%. Đối với lao động nữ cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu năm 2022 không đổi so với năm 2021.

Cách tính hương hưu tương tự như đối với người tham gia BHXH bắt buộc và khác ở cách tính mức bình quân tiền lương tham gia bảo hiểm xã hội (tham khảo tại mục 3.2 ở trên).

5. Điều kiện hưởng lương hưu của người lao động

Người lao động được hưởng lương hưu khi đáp ứng đầy đủ điều kiện hưởng lương hưu về độ tuổi và về thời gian đóng BHXH theo quy định. Căn cứ theo quy định tại Điều 219 Bộ luật lao động 2019 thì người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu như đã phân tích tại mục 2 bên trên và đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 20 năm.

Nếu còn thiếu số năm đóng BHXH mà đã đủ tuổi hưởng lương hưu thì có thể đóng bảo hiểm với thời gian thiếu không quá 10 năm (120 tháng). Căn cứ theo quy định tại điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP:

“1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

2. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu trên 10 năm nếu có nguyện vọng thì tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo một trong các phương thức quy định tại các Điểm a, b, c, d và đ Khoản 1 Điều này cho đến khi thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu để hưởng lương hưu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều này”

Share:

Tóm tắt

Xem thêm

Gửi câu hỏi

Nhận thông tin pháp luật mới nhất

Trang thông tin chia sẻ pháp luật miễn phí

Phone: 0326 111 491
Email: chiaseluat216@gmail.com 

Address: Số 20 Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, HN