Thuế là một khoản thu bắt buộc, không bồi hoàn của nhà nước với các tổ chức, cá nhân nhằm đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước vì lợi ích chung. Thuế như một công cụ không thể thuế ở bất cứ xã hội nào, chế độ nào; là khoản đóng góp nhằm duy trì hoạt động của Nhà nước và chi trả các dịch vụ, hoạt động công ích miễn phí…Các doanh nghiệp khi bắt đầu hoạt động cũng phải thực hiện những khoản thuế theo quy định của pháp luật. Hãy tham khảo thông tin dưới đây để biết các loại thuế công ty cần phải nộp nhé.
1. Lệ phí môn bài
1.1. Căn cứ pháp lý:
- Nghị định 22/2020/NĐ-CP
- Nghị định 139/2016/NĐ-CP
- Nghị định 139/2016/NĐ-CP
1.2. Quy định về đóng lệ phí môn bài
Lệ phí môn bài là lệ phí trực thu đánh vào vốn điều lệ hoặc vốn đầu tư của doanh nghiệp. Thời hạn nộp lệ phí môn bài chậm nhất vào ngày 30/01 dương lịch.
Sẽ tiến hành khai một lần khi người nộp lệ phí mới ra hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc mới thành lập. Từ ngày 25/02/2020, miễn lệ phí môn bài trong năm đầu thành lập hoặc ra hoạt động sản xuất, kinh doanh (từ ngày 01/01 đến ngày 31/12) đối với:
- Doanh nghiệp mới thành lập;
- Trong thời gian miễn lệ phí môn bài, doanh nghiệp thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thì chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh được miễn lệ phí môn bài.
1.3. Mức đóng thuế môn bài:
Bậc | Vốn điều lệ | Mức đóng |
1 | ≥ 10 tỷ | 3tr/năm |
2 | < 10 tỷ | 2tr/năm |
3 | Văn phòng đại diện hoặc chi nhánh hạch toán phụ thuộc | 1tr/năm |
2. Thuế giá trị gia tăng
Cùng với lệ phí môn bài, thuế giá trị gia tăng là một trong các loại thuế mà công ty phải nộp.
2.1. Căn cứ pháp lý
– Luật Thuế giá trị gia tăng 2008;
– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2013
– Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế năm 2016
2.2. Quy định của pháp luật về thuế giá trị gia tăng (GTGT)
Thuế giá trị gia tăng là một loại thuế gián thu, tính trên giá trị tăng thêm của hàng hóa, dịch vụ từ quá trình sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.
Thời hạn kê khai Thuế GTGT
- Trường hợp doanh nghiệp kê khai theo tháng, hạn nộp là 20 ngày kể từ ngày kết thúc tháng đó.
- Trường hợp doanh nghiệp kê khai theo quý, hạn nộp là 30 ngày kể từ ngày kết thúc quý đó.
- Hạn nộp tiền thuế giá trị gia tăng: Trùng với hạn nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng.
Phương pháp tính thuế GTGT
- Tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:
Số thuế GTGT phải nộp = Số thuế GTGT đầu ra – Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ
- Tính thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp:
Thuế GTGT phải nộp = Doanh thu x Tỷ lệ %
Trong đó:
+ Doanh thu để tính thuế GTGT là tổng số tiền bán hàng hóa, dịch vụ thực tế ghi trên hóa đơn bán hàng đối với hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT bao gồm các khoản phụ thu, phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.
+ Tỷ lệ % để tính thuế GTGT trên doanh thu được quy định theo từng hoạt động như sau:
a) Phân phối, cung cấp hàng hóa: 1%.
b) Dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu: 5%.
c) Sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu: 3%.
d) Hoạt động kinh doanh khác: 2%.
Xem thêm:
3. Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN)
Là một trong các loại thuế công ty cần đóng, thuế thu nhập doanh nghiệp là loại thuế trực thu, thu trên kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh cuối cùng của doanh nghiệp.
3.1. Căn cứ pháp lý
- Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp 2008
- Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2013
- Thông tư 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014
3.2. Quy định của pháp luật về thu thuế thu nhập doanh nghiệp
Doanh nghiệp không phải lập tờ khai thuế TNDN tạm tính, chỉ cần dựa trên kết quả của hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tính ra số tiền tạm nộp chậm nhất vào ngày thứ 30 kể từ ngày kết thúc quý phát sinh nghĩa vụ thuế.
Quyết toán thuế TNDN: Thời hạn nộp hồ sơ chậm nhất vào ngày thứ 90 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính. Từ 01/07/2020, theo Luật quản lý thuế 38/2019/QH14 thì thời hạn hồ sơ quyết toán thuế TNDN chậm nhất vào ngày cuối cùng của tháng thứ 3 kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.
Phương pháp tính thuế TNDN:
Thuế TNDN phải nộp = (Thu nhập tính thuế – Phần trích lập quỹ KH&CN) x Thuế suất
TN tính thuế = TN chịu thuế – (TN miễn thuế + Các khoản lỗ được kết chuyển)
TN chịu thuế = (Doanh thu – Chi phí được trừ) + Khoản thu nhập khác
4. Thuế thu nhập cá nhân (TNCN)
4.1. Căn cứ pháp lý
- Luật Thuế thu nhập cá nhân 2007
Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân năm 2012 - Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Thuế thu nhập cá nhân
4.2. Quy định của pháp luật về thuế TNCN
Thuế thu nhập cá nhân là thuế trực thu đánh vào thu nhập của người lao động có thu nhập.
Quy định về kê khai thuế thu nhập cá nhân
Doanh nghiệp kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân theo tháng (trong trường hợp doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo tháng và số thuế TNCN phải nộp trong tháng từ 50 triệu đồng trở lên): Chậm nhất vào ngày thứ 20 của tháng kế tiếp.
Doanh nghiệp kê khai và nộp thuế thu nhập cá nhân theo quý (trong trường hợp doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo quý hoặc doanh nghiệp kê khai thuế GTGT theo tháng và số thuế TNCN phải nộp trong tháng nhỏ hơn 50 triệu đồng): Chậm nhất vào ngày thứ 30 của quý kế tiếp.
Phương pháp tính thuế thu nhập cá nhân
Đối với cá nhân cư trú có hợp đồng lao động từ đủ 3 tháng trở lên: Khấu trừ theo biểu thuế lũy tiến từng phần và người lao động được tính giảm trừ gia cảnh trước khi khấu trừ. Tổ chức trả thu nhập có trách nhiệm quyết toán thay cho các cá nhân có ủy quyền.
Đối với cá nhân cư trú không có hợp đồng lao động hoặc có hợp đồng lao động dưới 03 tháng: Khấu trừ trực tiếp 10% tại nguồn trước khi trả thu nhập có tổng mức chi trả từ 2.000.000 đồng trở lên, không được tính giảm trừ gia cảnh nhưng được làm cam kết 02/CK-TNCN (nếu đủ điều kiện) để tổ chức trả thu nhập tạm thời không khấu trừ thuế của các cá nhân này.
Thuế TNCN = Thu nhập tính thuế TNCN * Thuế suất
Trong đó:
– Thu nhập tính thuế TNCN = Thu nhập chịu thuế TNCN – Các khoản giảm trừ
– Thu nhập chịu thuế TNCN là tổng TNCN nhận được từ công ty chi trả.
Các khoản giảm trừ sẽ gồm:
+ Giảm trừ gia cảnh: Đối với bản thân là 9.000.000 đồng/người/tháng. Đối với người phụ thuộc là 3.600.000 đồng/người/tháng.
+ Các khoản bảo hiểm bắt buộc: Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm nghề nghiệp trong một số lĩnh vực đặc biệt.
Đối với cá nhân không cư trú: Khấu trừ 20% trước khi trả thu nhập.
5. Các loại thuế khác
Ngoài những loại thế nêu trên, công ty còn phải nộp các loại thuế khác tùy theo tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đặc thù công ty như thuế tài nguyên; thuế xuất khẩu, nhập khẩu; thuế bảo vệ môi trường; thuế tiêu thụ đặc biệt; thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
5.1. Thuế tài nguyên môi trường
Loại thuế này Áp dụng với doanh nghiệp có hoạt động khai thác khoáng sản. Căn cứ tính thuế tài nguyên là sản lượng tài nguyên tính thuế, giá tính thuế tài nguyên, thuế suất thuế tài nguyên. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tài nguyên đối với tờ khai tháng chậm nhất là ngày 20 của tháng tiếp theo. Báo cáo quyết toán thuế tài nguyên năm phải nộp chậm nhất là ngày thứ 90, kể từ ngày kết thúc năm dương lịch hoặc năm tài chính.
Cách tính như sau: Thuế tài nguyên = sản lượng tài nguyên x giá tính thuế x thuế suất.
5.2. Thuế xuất, nhập khẩu
Thuế xuất khẩu, nhập khẩu đánh vào hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam; hàng hóa mua bán, trao đổi của cư dân biên giới và hàng hóa mua bán, trao đổi khác được coi là hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.
Thời hạn nộp thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu được quy định như sau:
- Đối với hàng hóa xuất khẩu là ba mươi ngày, kể từ ngày đối tượng nộp thuế đăng ký tờ khai hải quan.
- Đối với hàng hoá nhập khẩu là hàng tiêu dùng thì phải nộp xong thuế trước khi nhận hàng; trường hợp có bảo lãnh về số tiền thuế phải nộp thì thời hạn nộp thuế là thời hạn bảo lãnh, nhưng không quá ba mươi ngày kể từ ngày đối tượng nộp thuế đăng ký tờ khai hải quan.
- Đối với hàng hóa nhập khẩu là vật tư, nguyên liệu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu thì thời hạn nộp thuế là hai trăm bảy mươi lăm ngày, kể từ ngày đối tượng nộp thuế đăng ký tờ khai hải quan; trường hợp đặc biệt thì thời hạn nộp thuế có thể dài hơn hai trăm bảy mươi lăm ngày phù hợp với chu kỳ sản xuất, dự trữ vật tư, nguyên liệu của doanh nghiệp theo quy định của Chính phủ.
- Đối với hàng hóa kinh doanh theo phương thức tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập là mười lăm ngày, kể từ ngày hết thời hạn tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập theo quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Ngoài các trường hợp trên thì thời hạn nộp thuế đối với hàng hoá nhập khẩu là ba mươi ngày, kể từ ngày đối tượng nộp thuế đăng ký tờ khai hải quan.
Cách tính: Thuế xuất khẩu, nhập khẩu phải nộp = số lượng mặt hàng thực tế xuất khẩu, nhập khẩu trên tờ khai hải quan x trị giá từng mặt hàng x thuế suất.
5.3. Thuế tiêu thụ đặc biệt
Loại thuế này đánh vào một số hàng hóa đặc biệt do doanh nghiệp trực tiếp sản xuất và bán ra hoặc do doanh nghiệp nhập khẩu về rồi bán ra. Áp dụng khi có hoạt động sản xuất hoặc nhập khấu hàng hóa hoặc kinh doanh dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Thời hạn nộp hồ sơ khai thuế tiêu thụ đặc biệt theo tháng chậm nhất là ngày thứ 20 của tháng tiếp theo tháng phát sinh nghĩa vụ thuế.
Công thức tính: Thuế tiêu thụ đặc biệt = giá tính thuế x thuế suất.
5.4. Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp
Loại thuế này đánh vào đất phi nông nghiệp dùng để sản xuất, thực hiện dự án đầu tư, xây dựng trụ sở cơ quan…Thời hạn nộp tiền thuế hàng năm chậm nhất là ngày 31 tháng 12 hàng năm. Người nộp thuế được quyền lựa chọn nộp thuế một lần hoặc hai lần trong năm và phải hoàn thành nghĩa vụ thuế chậm nhất là ngày 31 tháng 12 hàng năm.
Thời hạn nộp tiền chênh lệch theo xác định của người nộp thuế tại Tờ khai tổng hợp chậm nhất là ngày 31 tháng 3 năm sau. Trường hợp trong chu kỳ ổn định 5 năm mà người nộp thuế đề nghị được nộp thuế một lần cho nhiều năm thì hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 31 tháng 12 của năm đề nghị.
Công thức tính: Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp = Diện tích đất sử dụng x Giá tính thuế của 1m2 x thuế suất. (Đất sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp áp dụng mức thuế suất 0,03%).
5.5. Thuế bảo vệ môi trường
Áp dụng khi doanh nghiệp có sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường theo quy định tại Luật thuế bảo vệ môi trường 2010. Chỉ nộp một lần đối với hàng hóa sản xuất hoặc nhập khẩu. Đối với hàng hóa sản xuất trong nước: người nộp thuế bảo vệ môi trường thực hiện nộp hồ sơ khai thuế bảo vệ môi trường với cơ quan thuế quản lý trực tiếp. Đối với hàng hóa nhập khẩu: người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan.
Cách tính: Thuế BVMT = Số lượng hàng hóa tính thuế x mức thuế tuyệt đối.
6. Địa điểm nộp thuế, hình thức nộp thuế
Căn cứ theo quy định tại Điều 56 Luật quản lý thuế 2019, có thể tiến hành nộp các loại thuế trên tại Kho bạc Nhà nước, Cơ quan quản lý thuế trực tiếp, tổ chức được cơ quan thuế ủy nhiệm thu, Ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng và tổ chức dịch vụ được Nhà nước trao quyền.
Doanh nghiệp có thể nộp các loại thuế trên theo hai hình thức:
- Nộp trực tiếp tại các địa điểm trên
- Nộp qua phương tiện điện tử
Trên đây là các loại thuế doanh nghiệp cần phải nộp năm 2023. Hãy chú ý để không bị phạt khi nộp chậm thuế nhé.