Giải ngân vốn đầu tư công | Khái niệm, thời gian và thực tiễn tại Việt Nam

Trong bối cảnh nền kinh tế chịu nhiều sự tác động tiêu cực từ dịch bệnh Covid-19, đầu tư công được xem là động lực của tăng trưởng kinh tế. Trong kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, Việt Nam luôn đề ra các kế hoạch đầu tư công trung hạn, hàng năm. Gần đây nhất là Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025

1. Khái niệm giải ngân vốn đầu tư công

Giải ngân vốn đầu tư công được hiểu là quá trình chi vốn đầu tư của nhà nước để triển khai thực hiện các dự án như xây dựng các công trình xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội, các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

Xem thêm: Đầu tư công là gì – Toàn bộ nội dung cần biết về đầu tư công

2. Ý nghĩa của giải ngân vốn đầu tư công

Giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quan trọng trong việc hỗ trợ cho tăng trưởng, tạo tác động lan tỏa đối với nhiều lĩnh vực khác. Vốn đầu tư công được sử dụng để đầu tư vào các chương trình, dự án kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội và đầu tư vào các chương trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế – xã hội.

3. Thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công cập nhật 2021

Thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm sẽ phụ thuộc vào từng dự án cụ thể. Theo đó, Điều 68 Luật Đầu tư công 2019  và Điều 48 Nghị định 40/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư công đã quy định rõ về thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm như sau:

Điều 68 Luật Đầu tư công 2019: Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm

1. Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn trước đến hết ngày 31 tháng 01 năm đầu tiên của kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn sau.

2. Thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm đến ngày 31 tháng 01 năm sau. Trường hợp bất khả kháng, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện nhưng không quá 31 tháng 12 năm sau.

3. Đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại chưa được dự toán hoặc vượt dự toán được giao, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.

Điều 48 Nghị định 40/2020/NĐ-CP. Kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước hằng năm

1. Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với vốn ngân sách trung ương, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với vốn ngân sách địa phương cho phép kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn kế hoạch đầu tư công hằng năm nhưng không quá ngày 31 tháng 12 năm sau trong các trường hợp sau:

a) Dự án quan trọng quốc gia;

b) Dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng;

c) Dự án được bố trí kế hoạch vốn để hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm kế hoạch nhưng không được bố trí vốn kế hoạch năm sau;

d) Dự án được bổ sung kế hoạch đầu tư từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách nhà nước, dự phòng ngân sách nhà nước hằng năm nhưng chưa được cấp có thẩm quyền cho phép giải ngân vào năm sau;

đ) Dự án bị ảnh hưởng tiến độ do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh, nguyên nhân khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép;

e) Dự án cơ quan đại diện và cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài;

g) Bộ, cơ quan trung ương và địa phương chỉ có duy nhất 01 dự án trong năm kế hoạch hoặc không thể thực hiện điều chỉnh kế hoạch.

2. Căn cứ đề xuất kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách trung ương của bộ, cơ quan trung ương và địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Như vậy có thể thấy do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên thời gian thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công đã thay đổi khá nhiều

4. Tình hình giải ngân vốn đầu tư công tại Việt Nam năm 2021

Trải qua 2/3 thời gian của năm 2021 nhưng theo ghi nhận thông tin từ các phương tiện truyền thông, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại Việt Nam là chưa đạt kỳ vọng và còn thấp. Thậm chí nhiều bộ, ngành, địa phương còn chưa có kế hoạch giải ngân.

Nguồn thông tin báo VOV.vn cho thấy, theo số liệu của Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/8/2021 giải ngân vốn đầu tư công là 187.285,01 tỷ đồng, đạt 40,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, giảm so với cùng kỳ năm 2020 (46,41%). Trong đó:

  • Có 10 bộ và 33 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên mức trung bình của cả nước
  • Một số bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân cao như Quảng Ninh, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Bình Phước, TP. Hải Phòng, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hóa..
  • Có 4 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch vốn
  • Có 3 bộ, cơ quan trung ương đã giải ngân nhưng tỷ lệ giải ngân dưới 1%.

Tại sao tiến độ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp?

Đối với việc tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đạt thấp, theo Bộ Tài chính, có nhiều nguyên nhân tác động, trong đó có các nguyên nhân cơ bản như sau:

  • Do tác động của dịch bệnh Covid-19 khiến nhiều tỉnh, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg. Điều này đã tác động trực tiếp đến tiến độ triển khai thực hiện, thi công các công trình, dự án
  • Do giá nguyên vật liệu như sắt, thép… tăng mạnh từ đầu năm đến nay đã gây ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án.
  • Do việc phân bổ vốn đầu tư công. Theo đó, việc chưa phân bổ hết số vốn ngân sách nhà nước năm 2021 được giao xuất phát từ nguyên nhân chủ quan và khách hàng. Trong đó, khách quan là do đặc thù của kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021, nhiều dự án khởi công mới phải chờ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 được Quốc hội thông qua (cuối tháng 7/2021) mới có cơ sở để phân bổ, giao kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước năm 2021. Còn về chủ quan, kế hoạch vốn năm 2021 chưa được Thủ tướng Chính phủ giao là 16.000 tỷ đồng (vốn trong nước) do hiện nay các chương trình mới đang trong giai đoạn lập và thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi, chưa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chưa kể số kế hoạch vốn năm 2021 chưa được các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương triển khai phân bổ chiếm 11,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Điều này cũng gây ảnh hưởng đến việc triển khai, thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021.
  • Đối với nguồn vốn nước ngoài: Do sự phản hồi của nhà tài trợ ODA khi được xin ý kiến rất chậm, dẫn đến thời gian lựa chọn nhà thầu kéo dài hơn, chậm trao hợp đồng so với các dự án trong nước.

Chia sẻ trên báo vtv.vn,  ông Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương nhận định, việc giải ngân chậm hơn, thấp hơn làm ảnh hưởng đến động lực tăng trưởng. Trong khi đó, một trong những động lực tăng trưởng được kỳ vọng nhất trong thời điểm hiện nay là đầu tư công.

5. Giải pháp giải ngân vốn đầu tư công 2021

Trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công đang đạt thấp, để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thuộc kế hoạch năm 2021 và đạt được mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư ngân sách nhà nước năm 2021 đạt 95 – 100% theo kế hoạch được giao, Bộ Tài chính kiến nghị một số giải pháp như sau:

  • Đề nghị cấp có thẩm quyền sớm hoàn thiện các thủ tục đầu tư đối với vốn thuộc chương trình mục tiêu quốc gia để khẩn trương hoàn thành việc giao số vốn chương trình mục tiêu quốc gia kế hoạch năm 2021 là 16.000 tỷ đồng tới các chủ đầu tư, làm căn cứ triển khai thực hiện.
  • Đề nghị các bộ, ngành, địa phương sớm giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để các đơn vị thuộc và trực thuộc triển khai thực hiện các dự án thuộc kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 bảo đảm hiệu quả, đúng quy định của pháp luật.
  • Đề nghị Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao, khẩn trương phân bổ nốt số kế hoạch vốn còn lại năm 2021 cho các chủ đầu tư làm cơ sở triển khai, thực hiện. Theo báo cáo của Bộ Tài chính hiện các bộ, ngành và địa phương còn số vốn đầu tư công chưa phân bổ là 11,04% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2021.
  • Cần chỉ đạo chủ đầu tư khẩn trương nghiệm thu khối lượng, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục gửi Kho bạc Nhà nước, làm cơ sở kiểm soát thanh toán vốn đầu tư; thực hiện rà soát, nắm bắt tiến độ thực hiện của tất cả các dự án trong phạm vi quản lý của bộ, ngành và địa phương để thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn từ các dự án không có hiệu quả, chậm giải ngân sang dự án có tiến độ giải ngân tốt, có nhu cầu bổ sung vốn để sớm hoàn thành, đưa vào khai thác, sử dụng, phát huy hiệu quả, phấn đấu đạt mục tiêu đề ra.
  • Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chỉ đạo Kho bạc Nhà nước các tỉnh, thành phố nâng cao tinh thần trách nhiệm trong công tác kiểm soát chi vốn ngân sách nhà nước qua Kho bạc Nhà nước, bảo đảm kiểm soát chi ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời chủ động chủ động phối hợp với chủ đầu tư để kịp thời nắm bắt các vướng mắc trong quá trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư, tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tháo gỡ; đôn đốc chủ đầu tư có khối lượng đến đâu thì làm thủ tục nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay gửi Kho bạc Nhà nước tránh dồn khối lượng thanh toán vào cuối năm.

Liên quan đến việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, chia sẻ trên baochinhphu.vn, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng đưa ra một số ý kiến:

  • Cần sự phối hợp của nhiều ban, ngành để thực hiện đồng bộ và quyết liệt nhiều biện pháp.
  • Cần nhanh chóng rút gọn tối đa các thủ tục không cần thiết với quy trình cấp vốn và nâng cao vai trò các cơ quan quản lý trong hoạt động đấu thầu, tránh tình trạng làm không thực chất.
  • Đề cao trách nhiệm và vai trò người đứng đầu của các cơ quan, ban, ngành ngay từ các khâu lập kế hoạch đến kiểm tra giám sát thẩm định.
  • Phân rõ trách nhiệm của các chính quyền địa phương, bộ, ngành để các cơ quan có thể phối hợp với nhau chặt chẽ nhất, tốt nhất, đúng vị trí vai trò của mình, giúp cho chủ đầu tư, nhà thầu thực hiện tốt nhất kế hoạch thi công.

Giải ngân vốn đầu tư công đóng một vai trò và ý nghĩa quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế, nhất là trong giai đoạn hiện nay. Hiện các bộ, ban/ngành và chính quyền địa phương đã từng bước đẩy mạnh việc giải ngân vốn đầu tư công để thực hiện có hiệu quả các dự án, nhằm hoàn thành mục tiêu đề ra và đạt mức tăng trưởng kinh tế ổn định.

Share:

Tóm tắt

Xem thêm

Gửi câu hỏi

Nhận thông tin pháp luật mới nhất

Trang thông tin chia sẻ pháp luật miễn phí

Phone: 0326 111 491
Email: chiaseluat216@gmail.com 

Address: Số 20 Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, HN