Theo quy định của Luật thương mại và Luật đầu tư thì các loại hợp đồng đầu tư bao gồm: Hợp đồng BCC, Hợp đồng BOT, Hợp đồng BTO, Hợp đồng BT,… Các loại hợp đồng này dựa trên hình thức đối tác công ty PPP được quy định tại Khoản 3 Điều 3 Nghị định 63/2018/NĐ-CP. Tuy nhiên, trên thực tế ta thường hay gặp 3 loại hợp đồng chính là BOT, BT, BTO. Vậy hợp đồng BT, BOT, BTO là gì, pháp luật quy định 3 loại hợp đồng đầu tư này như thế nào? Các nội dung chủ yếu của 03 loại hợp đồng trên gồm những gì? Dưới đây, xin chia sẻ tóm tắt ngắn gọn nội dung cơ bản của 03 loại hợp đồng trên như sau:
Căn cứ pháp lý:
- Luật đầu tư 2020
- Nghị định 63/2018/NĐ-CP về đầu tư theo hình thức đối tác công tư
1. Hợp đồng BOT là gì?
Hợp đồng BOT hay còn gọi là Hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (Tiếng Anh là: Bulding – Operate – Transfer) – là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng, kinh doanh công trình kết cấu hạ tầng trong một thời hạn nhất định; hết thời hạn, nhà đầu từ chuyển giao không bồi hoàn công trình đó cho Nhà nước Việt Nam.
Qua đó có thể thấy: Dự án BOT là hình thức đầu tư giữa cơ quan nhà nước với các công ty tư nhân sẽ bỏ nguồn vốn để xây dựng trước thông qua hình thức đấu thầu, sau đó sẽ vận hàng và khai thác một thời gian nhất định, hết thời gian khai thác sẽ chuyển giao lại cho các cơ quan nhà nước.
Về bản chất, BOT là một loại hợp đồng thương mại có:
- Chủ thể: cơ quan nhà nước có thẩm quyền (thường là các bộ, cơ quan ngang bộ hoặc Ủy ban nhân dân các cấp) và các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước hoặc nước ngoài có tiềm lực tài chính và khả năng thực hiện các dự án.
- Đối tượng hợp đồng: các dự án xây dựng công trình hạ tầng. Ví dụ thường thấy nhất ở Việt Nam đó là các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, các tuyến đường cao tốc. Đây là các dự án đòi hỏi tổng vốn đầu tư lớn lên tới hàng ngàn hoặc chục ngàn tỷ đồng. Với mức vốn đầu tư lớn như vậy, ngân sách nhà nước thì có hạn. Do đó lúc này hợp đồng BOT được xem như là một giải pháp hữu hiệu khi vừa giúp cho nhà nước đạt được mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho mục đích phát triển nền kinh tế. Bên cạnh đó cũng giúp cho các nhà đầu tư, các doanh nghiệp đạt được lợi nhuận từ hoạt động đầu tư xây dựng.
- Nội dung hợp đồng: Nội dung của các hợp đồng BOT bao gồm các quyền và nghĩa vụ cụ thể của các bên trong suốt quá trình thực hiện, vận hành dự án. Mỗi bên tham gia vào hợp đồng sẽ có những mục đích khác nhau, do đó, việc quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên giúp cho việc thực hiện dự án được diễn ra theo đúng mục đích các bên đã đề ra. Nhà đầu tư sẽ có mục tiêu là lợi nhuận thu được từ nguồn tiền thu phí sử dụng công trình họ xây dưng. Nhà nước thì đạt được mục đích về nhiệm vụ phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội.
2. Hợp đồng BTO là gì? Dự án BTO là gì?
Hợp đồng BTO hay còn gọi là Hợp đồng xây dựng – chuyển giao – kinh doanh (tiếng Anh Buid – Transfer – Operate) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ dành cho nhà đầu tư quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận.
Qua đó cũng có thể hiểu: Dự án BTO là hình thức đầu tư giữa các cơ quan nhà nước và nhà đầu tư để xây dựng công trình và các kết cấu hạ tầng. Khi hoàn thành công trình xong, nhà đầu tư sẽ chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước chịu trách nhiệm. Và cơ quan nhà nước sẽ để nhà đầu tư vận hành và khai thác dự án BTO này trong một khoảng thời gian nhất định để thu hồi vốn đã đầu tư và có lợi nhuận. Đa phần những dự án BTO thường được đấu thầu tại các phiên giao dịch giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước với các cơ quan nhà nước Việt Nam.
3. Hợp đồng BT là gì? Dự án BT là gì?
Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (sau đây gọi tắt là hợp đồng BT) là hình thức đầu tư được ký giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền và nhà đầu tư để xây dựng công trình kết cấu hạ tầng; sau khi xây dựng xong, nhà đầu tư chuyển giao công trình đó cho Nhà nước Việt Nam; Chính phủ tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc thanh toán cho nhà đầu tư theo thỏa thuận trong hợp đồng BT.
Dự án BT là hình thức đầu tư giữa nhà đầu tư với cơ quan nhà nước để xây dựng các công trình và các kết cấu hạ tầng. Sau khi công trình được hoàn thành, nhà đầu tư sẽ chuyển giao công trình đó cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Và cơ quan nhà nước sẽ tạo điều kiện để nhà đầu tư thưc hiện dự án khác để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận hoặc sẽ thỏa thuận thanh toán cho nhà đầu tư theo hợp đồng BT.
Ví dụ như gần đây nhất về dự án BT là dự án Tuyến đường Vành đai 2 trên cao, đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở có tổng vốn khoảng 9.400 tỷ đồng, hoàn thành trong năm 2020. Đây là dự án do Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng làm chủ đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Ngoài ra một vụ án chấn động dư luận gần nhất là dự án BT Trường Chính trị tỉnh Khánh Hòa đã bị công an tỉnh Khánh Hòa ra quyết định khởi tố đầu năm 2021 cũng theo hình thức hợp đồng BT nói trên.
4. Nội dung của hợp đồng BOT, hợp đồng BTO và hợp đồng BT
Nội dung của hợp đồng dự án bao gồm các quyền và nghĩa vụ của các bên nhằm đạt được các lợi ích đã định trước.
Do sự khác biệt của chủ thể hợp đồng nên các lợi ích này rất khác nhau. Các nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư vì mục đích sinh lợi, vì vậy, họ sẽ phải tính toán các yếu tố có liên quan nhằm đạt được lợi nhuận hoặc các lợi ích kinh tế có liên quan (như quyền được thực hiện một dự án đầu tư khác có khả năng sinh lợi). Còn Nhà nước, khi ký hợp đồng chủ yếu là nhằm các mục tiêu phát triển cơ sở hạ tầng để phát triển kinh tế xã hội (mục tiêu phi lợi nhuận, mang tính công ích, vì sự phát triển chung của toàn xã hội). Trong quá trình đàm phán hợp đồng BOT, BTO và BT, cần tính đến và dung hòa được lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích của Nhà nước.
Hợp đồng dự án có các nội dung chủ yếu sau:
- Tên, địa chỉ, đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia ký kết hợp đồng dự án;
- Mục tiêu, phạm vi hoạt động của dự án; phương thức, tiến độ thanh toán vốn đầu tư xây dựng công trình (đối với dự án BT);
- Nguồn vốn, tổng vốn đầu tư, tiến độ thực hiện;
- Công suất, công nghệ và trang thiết bị, yêu cầu thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật công trình, tiêu chuẩn chất lượng;
- Các quy định về giám sát, kiểm tra chất lượng công trình;
- Các quy định về bảo vệ tài nguyên, môi trường;
- Điều kiện về sử dụng đất, công trình kết cấu hạ tầng, công trình phụ trợ cần thiết cho xây dựng, vận hành;
- Tiến độ xây dựng công trình, thời hạn hoạt động của doanh nghiệp dự án và thời điểm chuyển giao công trình;
- Quyền và nghĩa vụ của các bên và các cam kết bảo lãnh, phân chia rủi ro;
- Những quy định về giá, phí và các khoản thu (bao gồm phương pháp xác định giá, phí, các điều kiện điều chỉnh mức giá, phí).
- Các quy định về tư vấn, giám định thiết kế, thiết bị thi công, nghiệm thu, vận hành, bảo dưỡng công trình;
- Điều kiện kỹ thuật, tình trạng hoạt động, chất lượng công tình khi chuyển giao, các nguyên tắc xác định giá trị công trình và trình tự chuyển giao công trình;
- Trách nhiệm của nhà đầu tư trong việc chuyển giao công nghệ, huấn luyện kỹ năng quản lý, kỹ thuật để vận hành công trình sau khi chuyển giao;
- Các điều kiện và thể thức điều chỉnh hợp đồng dự án;
- Các trường hợp chấm dứt hợp đồng dự án trước thời hạn;
- Phương thức giải quyết tranh chấp giữa các bên ký kết hợp đồng dự án;
- Xử lý các vi phạm hợp đồng;
- Bất khả kháng và nguyên tắc xử lý;
- Các quy định về hỗ trợ, cam kết của các cơ quan nhà nước;
- Hiệu lực của hợp đồng dự án.
Ngoài ra, hợp đồng dự án có thể quy định một số vấn đề khác như áp dụng pháp luật nước ngoài, mối quan hệ giữa các nhà đầu tư và doanh nghiệp dự án…
Xem thêm: Dừng thu phí dự án BOT các địa phương áp dụng CT16 từ 0 giờ ngày 20/7
5. Phân biệt hợp đồng BOT, hợp đồng BTO và hợp đồng BT
a. Giống nhau
Cả 3 hình thức đầu tư trên đều có những điểm giống nhau đó là:
- Chủ thể ký kết hợp đồng sẽ bao gồm một bên là nhà đầu tư và bên còn lại là cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
- Đều là các hình thức đầu tư theo hợp đồng đầu tư, đối tượng của hợp đồng đó là những công trình xây dựng và kết cấu hạ tầng được Nhà nước khuyến khích thực hiện.
- Hình thức hợp đồng đều phải được lập thành văn bản và tuân theo những nội dung được quy định tại Bộ Luật Dân sự hiện hành
b. Khác nhau
1. Nội dung Hợp đồng |
BOT |
BTO |
BT |
– HĐ dự án bao gồm: sự thỏa thuận về các quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc xây dựng, kinh doanh và chuyển giao công trình cho Nhà nước VN. NĐT bỏ vốn xây dựng công trình và phải bàn giao công trình đó cho Nhà nước. | – Quy định cụ thế quyền và nghĩa vụ của các bên liên quan đến việc thực hiện cả ba hành vi xây dựng, kinh doanh, chuyển giao nhưng trong hợp đồng BOT thứ tự thực hiện các hành vi này là các thỏa thuận cụ thể của mỗi bên để thực hiện hợp đồng dự án lại có một số điểm khác. | – Nghĩa vụ của NĐT phải thực hiện chỉ là xây dựng và chuyển giao công trình đó cho chính phủ mà không được quyền kinh doanh chính những công trình này. | |
2.Thời điểm ban giao công trình | – Sau khi xây dựng xong, NĐT được phép kinh doanh trong một thời hạn nhất định, hết thời hạn NĐT chuyển giao công trình đó cho Nhà nước VN. | – Sau khi xây dựng xong, NĐT chuyển giao công trình đó cho Nhà nước VN. | – Giống như Hợp đồng BTO, sau khi xây dựng xong, NĐT chuyển giao công trình đó cho Nhà nước VN. |
3.Lợi ích có được từ HĐ | – Lợi ích mà NĐT được hưởng phát sinh từ chính việc kinh doanh công trình đó, chuyển giao không bồi hoàn công trình. | – Chính phủ dành cho NĐT quyền kinh doanh công trình đó trong một thời hạn nhất định để thu hồi vốn đầu tư và lợi nhuận. | – Chính phủ tạo điều kiện cho NĐT thực hiện những dự án khác để thu hồi vốn và lợi nhuận hoặc thanh toán cho NĐT theo thỏa thuận trong HĐ BT. |
6. Điều kiện để triển khai BOT, BTO và BT
Việc triển khai 3 hình thức hợp đồng trên đều phải thông qua đấu thầu. Và Chính phủ sẽ đưa ra quy định về đấu thầu cho từng loại công trình dựa trên Luật Đấu thầu của Việt Nam.
Đấu thầu công khai sẽ tuyển chọn đơn vị thực hiện đáp ứng đủ điều kiện thực thi hợp đồng. Cho dù được thực hiện theo bất kỳ hình thức nào thì công trình vẫn chịu sự giám sát chất lượng từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Mọi quy định về thu phí hay thời gian sẽ tuân thủ theo sự thoả thuận và thống giữa 2 bên ngay từ giai đoạn đầu tiên.
Tại Việt Nam, các công trình triển khai theo hợp đồng BOT hay BTO đang diễn ra ngày càng nhiều. Các hình thức này ra đời sẽ giúp giải toả không ít áp lực về ngân sách đầu tư xây dựng cho Chính phủ. Đồng thời, việc chọn lựa các đơn vị nhà thầu tư nhân trong và ngoài nước đủ năng lực đấu thầu và thu phí sẽ giúp quá trình cạnh tranh chất lượng diễn ra mạnh mẽ. Từ đó mở ra điều kiện tốt nhất về các công trình cơ sở hạ tầng cho người dân.
Hiện nay, các công trình thực hiện theo hình thức BOT, BTO, BT nhiều nhất đó là các công trình giao thông như đường bộ, đường hầm,… Có một số ít công trình được thực hiện cho việc đầu tư du lịch, giải trí ở những vùng có điểm du lịch nổi tiếng. Và hầu như ở các địa phương có điều kiện kinh tế phát triển hay vùng kinh tế lớn đều có các công trình BOT, BTO và BT được thực thi.
Xem thêm: Đầu tư công là gì? Toàn bộ nội dung chi tiết cần biết về Đầu tư công
Trên đây là toàn bộ nội dung tóm tắt về 3 loại hợp đồng theo hình thức PPP phổ biến nhất tại Việt Nam hiện nay. Hi vọng bài đọc đã cung cấp cho các bạn một lượng nội dung phù hợp. Xem thêm những nội dung khác tại Chia sẻ luật (chiaseluat.com) bạn nhé!