Các Loại Hình Doanh Nghiệp Tại Việt Nam Hiện Nay

Các loại hình doanh nghiệp

Luật doanh nghiệp mới ra đời không chỉ là sự mong đợi của các doanh nghiệp mà còn là sự kỳ vọng của Nhà nước vào việc hoàn thiện và nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh. Bởi kinh doanh là cốt lõi duy trì sự tăng trưởng và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn về Luật doanh nghiệp và các lọai hình doanh nghiệp như sau

1. Khái quát về luật doanh nghiệp

Theo từ điển tiếng Việt, doanh nghiệp là đơn vị hoạt động kinh doanh làm công việc kinh doanh. Tại khoản 10 Điều 4 Luật doanh nghiệp năm 2020 có định nghĩa về doanh nghiệp:

“Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”

Doanh nghiệp ra đời cần được đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật. Mỗi một hình thức và mục đích kinh doanh sẽ có những loại hình doanh nghiệp tương ứng. Hiện nay có các loại hình kinh doanh phổ biến như: doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần…

Quyết định chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp cũng là cách để công ty hoạt động hiệu quả, đạt được những lợi ích mà pháp luật bảo vệ. Bởi luật chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp với tính chất kinh doanh, quy mô ngành nghề, vốn góp, khả năng của thành viên sáng lập là vô cùng quan trọng. Những yếu tố ấy sẽ tác động đến sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp về lâu về dài.

Để tất cả những nội dung trên đi vào quỹ đạo và tránh những rủi ro sau này cho các doanh nghiệp thì luật doanh nghiệp ra đời. Tuy chưa có khái niệm chính thống về Luật doanh nghiệp nhưng dựa trên phạm vi điều chỉnh, ta có thể hiểu: Luật doanh nghiệp là tổng hòa những quy định về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, bao gồm công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân; quy định về nhóm công ty.

Trước đây, luật doanh nghiệp được “phân tách” thành Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật doanh nghiệp Nhà nước. Luật doanh nghiệp tư nhân năm 1990, sau đó được sửa đổi bổ sung năm 1994 và rút gọn, đổi tên thành Luật doanh nghiệp năm 1999. Còn Luật doanh nghiệp Nhà nước năm 1995 sửa đổi, bổ sung năm 2003.

Sau khi áp dụng đã được Nhà nước thống nhất thành Luật doanh nghiệp năm 2005. Đến nay, cùng với sự phát triển xã hội, các doanh nghiệp bắt đầu có những hình thái hoạt động mới khiến luật doanh nghiệp cần được thay đổi để phù hợp với xu hướng thị trường. Do đó, Nhà nước đã ban hành luật doanh nghiệp năm 2014 và được thay thế hiện nay bằng Luật doanh nghiệp năm 2020.

2. Doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh

Doanh nghiệp tư nhân được quy định tại chương 7 của Luật Doanh nghiệp năm 2020. Hộ kinh doanh được quy định cụ thể tại chương 8 Nghị định 01/2021/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

Doanh nghiệp tư nhân và hộ kinh doanh đều không có tư cách pháp nhân. Tư cách pháp nhân là tư cách pháp lý được nhà nước công nhận cho một tổ chức (nhóm người) có khả năng tồn tại, hoạt động độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tổ chức có tư cách pháp nhân khi có đủ 4 điều kiện sau:

– Được thành lập hợp pháp theo quy định của pháp luật;

– Có cơ cấu tổ chức chặt chẽ theo quy định của pháp luật;

– Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác. Ngoài ta tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình;

– Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.

Cả hai hình thức này đều chịu trách nhiệm vô hạn đối với các quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp.

Tiêu chí Doanh nghiệp tư nhân Hộ kinh doanh
Chủ sở hữu Do một cá nhân làm chủ góp toàn bộ vốn, tự chịu toàn bộ lợi ích, trách nhiệm. Điều kiện làm chủ của doanh nghiệp tư nhân là công dân Việt Nam trên 18 tuổi, có thể là người nước ngoài nhưng phải thỏa mãn các điều kiện về hành vi thương mại do pháp luật đất nước đó quy định. Do cá nhân là công dân Việt Nam hoặc một nhóm, một hộ gia đình làm chủ, cùng nhau quản lý, phát triển mô hình và cùng chịu trách nhiệm về hoạt động của mình

Quy mô kinh doanh

 

Quy mô nhỏ nhưng lớn hơn Hộ kinh doanh. Có thể do cá nhân nước ngoài làm chủ Nhỏ hơn DNTN, là hình thức kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người là người Việt Nam hoặc một hộ gia đình làm chủ.

Số lượng người lao động

 

Không giới hạn số lượng lao động Dưới 10 lao động, trên 10 lao động phải đăng ký thành lập DN

Điều kiện kinh doanh

 

Phải đăng kí kinh doanh ở cấp tỉnh để được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, phải có con dấu trong quản lý được cơ quan công an cấp Chỉ trong một sô trường hợp nhất đinh, đăng ký kinh doanh ở cơ quan cấp huyện và không có con dấu.

Chủ thể thành lập

 

người Việt Nam, hoặc người nước ngoài, thỏa mãn các điều kiện về hành vi thương mại do pháp luật nước đó quy định phải là người Việt Nam

Địa điểm kinh doanh

được mở nhiều địa điểm, chi nhánh không được mở nhiều địa điểm kinh doanh.

Cơ quan đăng ký kinh doanh

Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh: Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và đầu tư Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện: Phòng Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện

Doanh nghiệp tư nhân chỉ có một chủ sở hữu duy nhất và chịu trách nhiệm vô hạn, dễ tạo sự tin tưởng đối với đối tác. Tuy nhiên, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân cao nên mức độ rủi ro khi hoạt động trong loại hình này cao. Chủ doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản mà không giới hạn số vốn của mình đã đầu tư vào doanh nghiệp. Chủ doanh nghiệp tư nhân có thể trực tiếp hoặc thuê người khác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh. Trường hợp thuê người khác làm Giám đốc quản lý doanh nghiệp thì chủ doanh nghiệp tư nhân phải đăng ký với cơ quan đăng ký kinh doanh và vẫn phải chịu trách nhiệm về mọi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Còn hộ kinh doanh phù hợp với doanh nghiệp quy mô nhỏ lẻ, dễ kiểm soát, hoạt động phù hợp kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên cũng chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của chủ hộ do không có tư cách pháp nhân.

3. Công ty TNHH 2 thành viên

Theo quy đinh tại Điều 46 Luật doanh nghiệp 2020:

Điều 46. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên

  1. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là doanh nghiệp có từ 02 đến 50 thành viên là tổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trongphạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy địnhtại khoản 4 Điều 47 của Luật này. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật này.
  2. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  3. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên không được phát hành cổ phần, trừ trường hợp để chuyển đổi thành công ty cổ phần.
  4. Công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên được phát hành trái phiếu theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; việc phát hành trái phiếu riêng lẻ phải tuân thủ quy định tại Điều 128 và Điều 129 của Luật này.”

Công ty TNHH hai thành viên trở lên là doanh nghiệp, trong đó thành viên có thể là tổ chức, cá nhân. Số lượng thành viên không vượt quá năm mươi. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp. Công ty có tư cách pháp nhân kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

3.1. Đặc điểm công ty TNHH 2 thành viên trở lên

Công ty TNHH 2 thành viên trở lên mang những đặc điểm sau:

  • Thành viên công ty:

Số lượng thành viên: có tối thiểu là 02 và tối đa không quá 50 thành viên.

Tư cách thành viêntổ chức, cá nhân. Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 47 của Luật này. Phần vốn góp của thành viên chỉ được chuyển nhượng theo quy định tại các điều 51, 52 và 53 của Luật doanh nghiệp 2020.

  • Vốn điều lệ:

Vốn điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên khi đăng ký doanh nghiệp là tổng giá trị phần vốn góp các thành viên cam kết góp vào công ty.

Thành viên phải góp vốn phần vốn góp cho công ty đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký dịch vụ thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trường hợp có thành viên chưa góp hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết, công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ, tỷ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 60 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp vốn đủ phần vốn góp.

  • Trách nhiệm tài sản của thành viên: Công ty tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình

Thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp.

Riêng đối với thời điểm thành lập công ty: Trong thời hạn góp vốn 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc một thời hạn nhỏ hơn quy định tại điều lệ. Các thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian này.

  • Huy động vốn:

Công ty TNHH hai thành viên trở lên không được huy động vốn bằng việc phát hành cổ phần vì cổ phần và cổ phiếu là đặc trưng riêng của mô hình công ty cổ phần nhằm huy động vốn. Tuy nhiên, Công ty TNHH hai thành viên trở lên vẫn có thể áp dụng các phương thức huy động vốn:

+ Tăng vốn điều lệ công ty bằng cách kết nạp thêm thành viên mới tuy nhiên không quá 50 thành viên;

+ Tăng vốn điều lệ công ty bằng cách huy động vốn từ các thành viên đang hoạt động trong công ty;

+ Huy động vốn thông qua hoạt động vay vốn, tín dụng từ các cá nhân, tổ chức;

+ Phát hành trái phiếu.

  • Cơ cấu tổ chức chặt chẽ:

Gồm Hội đồng thành viên, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Công ty trách nhiệm hữu hạn có từ 11 thành viên trở lên phải thành lập Ban kiểm soát; trường hợp có ít hơn 11 thành viên, có thể thành lập Ban kiểm soát phù hợp với yêu cầu quản trị công ty. Quyền, nghĩa vụ, tiêu chuẩn, điều kiện và chế độ làm việc của Ban kiểm soát, Trưởng Ban kiểm soát do Điều lệ công ty quy định.

3.2. Ưu, nhược điểm của công ty TNHH 2 thành viên trở lên

– Ưu điểm của công ty TNHH 2 thành viên trở lên:

Các thành viên công ty chỉ trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty. Nên ít gây rủi ro cho người góp vốn. Thành viên quen biết nhau nên đáng tin cậy, dễ điều hành. Chế độ chuyển nhượng vốn được điều chỉnh chặt chẽ. Do đó, dễ dàng kiểm soát sự thay đổi các thành viên, hạn chế sự thâm nhập của người ngoài vào công ty. Khi chuyển nhượng vốn sẽ ưu tiên cho các thành viên còn lại trước.

– Nhược điểm của công ty TNHH 2 thành viên trở lên:

Do các thành viên trong công ty TNHH 2 thành viên trở lên chịu trách nhiệm hữu hạn trong số phần vốn đã góp của mình. Nên uy tín trước đối tác cũng phần nào bị ảnh hưởng.

Công ty TNHH 2 thành viên trở lên không được phát hành cổ phiếu. Do đó, huy động vốn hạn chế. Công ty sẽ không có số vốn lớn để có thể triển khai những kế hoạch kinh doanh lớn.

Số lượng thành viên giới hạn trong công ty là 50 người. Nếu muốn tăng số lượng thì phải thay đổi loại hình kinh doanh.

4. Công ty TNHH một thành viên

Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên là doanh nghiệp do một tổ chức hoặc một cá nhân làm chủ sở hữu (sau đây gọi là chủ sở hữu công ty). Chủ sở hữu công ty chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi số vốn điều lệ của công ty. (theo Điều 74 Luật Doanh nghiệp 2020).

4.1. Đặc điểm công ty TNHH một thành viên

  • Thành viên công ty:

Công ty TNHH 1 thành viên chỉ có duy nhất một chủ sở hữu. Chủ sở hữu doanh nghiệp ở đây không chỉ mang nghĩa là cá nhân, mà cũng có thể là một tổ chức.

  • Vốn điều lệ (Điều 75 Luật DN 2020)

+ Vốn điều lệ khi đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu công ty cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty

+ Chủ sở hữu phải có trách nhiệm đóng góp đủ, đúng loại và đúng thời hạn như đã cam kết.

Thời hạn góp vốn tối đa là 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trường hợp không góp đủ, Chủ sở hữu phải thực hiện thủ tục thay đổi vốn điều lệ của công ty TNHH 1 thành viên.

Vốn điều lệ hoàn toàn thuộc về trách nhiệm cá nhân, không có sự tham gia của các thành viên hay tổ chức khác.

  • Trách nhiệm tài sản của chủ sở hữu: Khác với doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH 1 thành viên chịu trách nhiệm về các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản trong phạm vi vốn điều lệ.

  • Khả năng huy động vốn: Công ty TNHH một thành viên không có khả năng phát hành cổ phần. Tuy nhiên, hoạt động huy động vốn của công ty cũng khá đa dạng. Công ty có thể thông qua việc phát hành trái phiếu, vốn vay từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Hoặc Chủ sở hữu công ty tự góp thêm vốn vào.

  • Quyền góp vốn hoặc mua cổ phần, vốn góp các doanh nghiệp khác:

Chủ sở hữu công ty có quyền góp vốn hoặc mua cổ phần của các doanh nghiệp khác. Công ty TNHH một thành viên có quyền góp vốn thành lập hoặc mua cổ phần, phần vốn góp các doanh nghiệp khác. Cụ thể là các loại hình: công ty hợp danh, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần.

4.2. Ưu và nhược điểm của công ty TNHH một thành viên

  • Ưu điểm:

Chủ sở hữu công ty sẽ có toàn quyền quyết định mọi vấn đề liên quan đến hoạt động của công ty. Một cá nhân cũng có thể thành lập được doanh nghiệp. Chỉ chịu trách nhiệm về các hoạt động của công ty trong phạm vi số vốn góp vào công ty. Nên ít gây rủi ro cho chủ sở hữu. Có cơ cấu tổ chức gọn, linh động. Thủ tục thành lập đơn giản hơn loại hình công ty TNHH 2 thành viên và công ty cổ phần. Quy định về vấn đề chuyển nhượng vốn quy định chặt chẽ. Nhà đầu tư dễ kiểm soát.

  • Nhược điểm:

không được phát hành cổ phiếu nên huy động vốn của công ty sẽ bị hạn chế. Công ty sẽ không có số vốn lớn để có thể triển khai những kế hoạch kinh doanh lớn.

Công ty TNHH 1 thành viên chịu sự điều chỉnh của pháp luật chặt chẽ hơn. Do công ty TNHH một thành viên chỉ do một cá nhân hoặc tổ chức làm chủ sở hữu. Nên khi huy động thêm vốn góp của cá nhân, tổ chức khác. Sẽ phải thực hiện thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Thành công ty TNHH hai thành viên hoặc công ty Cổ phần.

Công ty TNHH 1 thành viên không được rút vốn trực tiếp. Mà phải bằng cách chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ số vốn cho tổ chức hoặc cá nhân khác. Tiền lương thanh toán cho Chủ sở hữu không được tính vào chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp

5. Công ty hợp danh

Theo quy định tại Điều 177 Luật doanh nghiệp 2020, công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:

“a) Phải có ít nhất 02 thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh). Ngoài các thành viên hợp danh, công ty có thể có thêm thành viên góp vốn;

b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

c) Thành viên góp vốn là tổ chức, cá nhân và chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào công ty”

5.1. Đặc điểm công ty hợp danh

– Thành viên công ty:

Phải có tối thiểu 2 thành viên là chủ sở hữu chung công ty gọi là thành viên hợp danh. Ngoài ra có thể có thành viên góp vốn. Thành viên hợp danh không được:

+ Làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.

+ Không được quyền nhân danh cá nhân hoặc nhân danh người khác thực hiện kinh doanh cùng ngành, nghề kinh doanh của công ty đó để tư lợi hoặc phục vụ lợi ích của tổ chức, cá nhân khác.

+ Không được quyền chuyển một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình tại công ty cho người khác nếu không được sự chấp thuận của các thành viên hợp danh còn lại

– Thực hiện góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp

Tại thời điểm góp đủ vốn như đã cam kết, thành viên được cấp giấy chứng nhận phần vốn góp. Vốn phải góp đủ và đúng hạn số vốn như đã cam kết. Nếu không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết gây thiệt hại cho công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho công ty.

Góp vốn không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết thì số vốn chưa góp đủ được coi là khoản nợ của thành viên đó đối với công ty; trong trường hợp này, thành viên góp vốn có liên quan có thể bị khai trừ khỏi công ty theo quyết định của Hội đồng thành viên.

– Tài sản của công ty hợp danh:

+ Tài sản góp vốn của các thành viên đã được chuyển quyền sở hữu cho công ty;

+ Tài sản tạo lập được mang tên công ty;

+ Tài sản thu được từ hoạt động kinh doanh do các thành viên hợp danh thực hiện nhân danh công ty và từ các hoạt động kinh doanh của công ty do các thành viên hợp danh nhân danh cá nhân thực hiện;

+ Các tài sản khác theo quy định của pháp luật.

– Đại diện theo pháp luật và điều hành kinh doanh

Các thành viên hợp danh có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh hằng ngày của công ty. Mọi hạn chế đối với thành viên hợp danh trong thực hiện công việc kinh doanh hằng ngày của công ty chỉ có hiệu lực đối với bên thứ ba khi người đó được biết về hạn chế đó. Trong điều hành hoạt động kinh doanh công ty hợp danh, thành viên hợp danh phân công nhau đảm nhiệm các chức danh quản lý và kiểm soát công ty.

Khi một số hoặc tất cả thành viên hợp danh cùng thực hiện một số công việc kinh doanh thì quyết định được thông qua theo nguyên tắc đa số. Hoạt động do thành viên hợp danh thực hiện ngoài phạm vi hoạt động kinh doanh của công ty đều không thuộc trách nhiệm của công ty, trừ trường hợp hoạt động đó đã được các thành viên còn lại chấp thuận.

5.2. Ưu và nhược điểm của công ty hợp danh

– Ưu điểm: Kết hợp uy tín cá nhân và nhiều người; dễ vay vốn hơn; liên đới chịu trách nhiệm vô hạn của các thành viên nên dễ dàng nhận sự dược tin cậy của đối tác. Quản lý doanh nghiệp dễ dàng do cơ cấu gọn nhẹ.

– Nhược điểm: Do liên đới chịu trác nhiệm nên rủi ro cao. Không được phát hành chứng khoán nên rất bất lợi cho việc huy động vốn. Các thành viên hợp danh rút khỏi công ty nhưng công ty vẫn phải chịu khoản nợ phát sinh từ cam kết trước khi thành viên đó rời đi. Không có sự phân biệt giữa tài sản cá nhân và tài sản công ty.

6. Công ty Cổ phần

Công ty cổ phần là doanh nghiệp có vốn điều lệ được chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần; Cổ đông có thể là tổ chức, cá nhân; số lượng cổ đông tối thiểu là 03 và không hạn chế số lượng tối đa; Cổ đông chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp trong phạm vi số vốn đã góp vào doanh nghiệp (Điều 111 Luật doanh nghiệp năm 2020).

6.1. Đặc điểm công ty cổ phần

  • Về cổ đông công ty

Thành viên công ty cổ phần được gọi là các cổ đông. Cổ đông là những người sở hữu ít nhất một cổ phần của công ty.

Pháp luật chỉ quy định về số cổ đông công ty cổ phần tối thiểu là 03 và không giới hạn số lượng tối đa giúp công ty dễ dàng mở rộng quy mô.

  • Vốn điều lệ của công ty

Vốn điều lệ của công ty cổ phần tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp là tổng giá trị mệnh giá cổ phần các loại đã được đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty. Vốn này được chia thành các phần bằng nhau gọi là cổ phiếu. Tổ chức hoặc cá nhân tham gia vào công ty bằng cách mua cổ phiếu, có thể mua một hoặc nhiều cổ phiếu.

Có nhiều loại cổ phần (Điều 114 Luật doanh nghiệp) như cổ phần phổ thông và cổ phần ưu đãi…

Chế độ chịu trách nhiệm của công ty cổ phần: Chịu trách nhiệm hữu hạn. Công ty sẽ chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản công ty. Cổ đông chịu trách nhiệm về các khoản nợ bằng số vốn góp vào công ty.

  • Khả năng huy động vốn: Khả năng huy động vốn linh hoạt nhất trong các loại hình. Công ty cổ phần có thể huy động vốn từ các khoản vay tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Ngoài ra công ty cp có thể huy động vốn bằng cách phát hành cổ phiếu, trái phiếu.

  • Cơ cấu tổ chức chặt chẽ có đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị công ty cổ phần…

6.2. Ưu và nhược điểm của công ty cổ phần

  • Ưu điểm:

Đông người góp vốn nên dễ dàng huy động vốn. chịu trách nhiệm hữu hạn trong phạm vi số vốn góp nên mức độ rủi ro của cổ đông không cao.

Khả năng hoạt động rộng, hầu hết trong các lĩnh vực. Huy động vốn dễ dàng nên chuyển nhượng vốn cũng như vậy.

  • Nhược điểm:

Quản lý và điều hành công ty phức tạp. Do số lượng cổ đông lớn nên dễ bị phân tán quản lý và gây bất hòa do có các cổ đông xung đột nhau về lợi ích. Việc thành lập và quản lý phức tạp hơn và chế độ tài chính, kế toán được quy định chặt chẽ.

Nắm rõ được các loại hình doanh nghiệp là bước đầu để bạn đặt nền móng cho sự nghiệp của mình. Hãy lựa chọn loại hình phù hợp với ngành nghề, mục đích kinh doanh và phương thức hoạt động của bạn nhất.

Có thể bạn quan tâm:

Share:

Tóm tắt

Xem thêm

Gửi câu hỏi

Nhận thông tin pháp luật mới nhất

Trang thông tin chia sẻ pháp luật miễn phí

Phone: 0326 111 491
Email: chiaseluat216@gmail.com 

Address: Số 20 Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, HN