Thành Lập Doanh Nghiệp | Điều Kiện Và Thủ Tục Như Thế Nào

Thành Lập Doanh Nghiệp Điều Kiện Và Thủ Tục Như Thế Nào

Xã hội ngày càng hiện đại hóa, kéo theo đó các doanh nghiệp không ngừng gia tăng. Phát triển kinh doanh sản xuất tạo ra sản phẩm nhưng để có chỗ đứng hợp pháp và được pháp luật bảo vệ, cần thành lập doanh nghiệp. Chia sẻ luật sẽ cùng bạn tìm hiểu điều kiện thành lập doanh nghiệp và thủ tục thành lập doanh nghiệp theo luật Doanh nghiệp hiện hành

Thành lập doanh nghiệp là gì?

Thành lập doanh nghiệp (thành lập công ty) là thủ tục pháp lý do thành viên/cổ đông/chủ sở hữu công ty tiến hành để được cơ quan chứng năng có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, thành lập công ty sẽ giúp hoạt động kinh doanh được tiến hành hợp pháp tại Việt Nam.

Thành lập công ty là một quá trình phức tạp và yêu cầu nhiều kiến thức về pháp lý, thuế và quản lý kinh doanh. Việc thành lập công ty cần phải tuân thủ các quy định pháp luật và được thực hiện theo quy trình đúng đắn để đảm bảo tính pháp lý và hoạt động kinh doanh hiệu quả của công ty.

1. Các điều kiện thành lập doanh nghiệp

1.1. Về chủ thể thành lập doanh nghiệp

Tại Điều 17 Luật doanh nghiệp năm 2020 quy định:

“Điều 17. Quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp

1. Tổ chức, cá nhân có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam theo quy định của Luật này, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Tổ chức, cá nhân sau đây không có quyền thành lập và quản lý doanh nghiệp tại Việt Nam:

a) Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân sử dụng tài sản nhà nước để thành lập doanh nghiệp kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;

b) Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức;

c) Sĩ quan, hạ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng trong các cơ quan, đơn vị thuộc Quân đội nhân dân Việt Nam; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp nhà nước;

d) Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong doanh nghiệp nhà nước theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 88 của Luật này, trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp khác;

đ) Người chưa thành niên; người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; người bị mất năng lực hành vi dân sự; người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; tổ chức không có tư cách pháp nhân;

e) Người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc hoặc đang bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; các trường hợp khác theo quy định của Luật Phá sản, Luật Phòng, chống tham nhũng.
Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh;

g) Tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.”

Theo đó, mọi cá nhân, tổ chức có quyền thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam trừ những trường hợp sau quy định tại khoản 2 Điều 17 nêu trên.

1.2. Về ngành nghề kinh doanh

Khi cá nhân hay tổ chức đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp thì cần xét đến ngành nghề kinh doanh có phù hợp hay không. Doanh nghiệp có quyền đăng ký kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm và chỉ được kinh doanh ngành nghề đã đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Những ngành nghề bị cấm kinh doanh (khoản 1 Điều 6 Luật đầu tư năm 2014) chủ yếu là những ngành nghề có khả năng gây hại cho xã hội, chính trị và kinh tế của quốc gia như kinh doanh các chất ma túy; kinh doanh các loại hóa chất, khoáng vật; kinh doanh mẫu vật các loài thực vật, động vật hoang dã có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên; kinh doanh mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng, thủy sản nguy cấp, quý, hiếm nhóm i có nguồn gốc khai thác từ tự nhiên; kinh doanh mại dâm; mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người; hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người; kinh doanh pháo nổ;  kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Ngoài ra, cá nhân hay tổ chức cần lưu ý đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện quy theo quy định như: Kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định 20 tỷ, kinh doanh dịch vụ kế toán phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động dịch vụ kế toán; Kinh doanh dịch vụ việc làm cần có ít nhất 03 nhân viên có trình độ cao đẳng trở lên; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, lý lịch rõ ràng…

1.3. Điều kiện về vốn pháp định và vốn điều lệ

Không phải ngành nghề nào cũng bắt buộc có đủ số vốn pháp định mà pháp luật đã quy định. Vốn pháp định là đối với ngành nghề mà mức vốn phải có để thành lập doanh nghiệp. Ví dụ như kinh doanh bất động sản phải có vốn pháp định là 20 tỷ).

Vốn điều lệ sẽ tùy vào doanh nghiệp, pháp luật không quy định số vốn tối đa và tối thiểu. Điều này sẽ được ghi trong điều lệ công ty.

1.4. Điều kiện về đặt tên doanh nghiệp

Điều kiện để thành lập doanh nghiệp không thể thiếu đặt tên doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện theo quy định tại Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2020 và được hướng dẫn tại Điều 18 Nghị định 01/2021/NĐ-CP như sau:

– Tên doanh nghiệp phải có: loại hình doanh nghiệp và tên riêng

– Tên doanh nghiệp đăng ký không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên doanh nghiệp đã đăng ký trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp trên phạm vi toàn quốc. Trừ những doanh nghiệp đã giải thể hoặc đã có quyết định có hiệu lực của Tòa án tuyên bố doanh nghiệp bị phá sản.

Với mỗi loại hình doanh nghiệp sẽ có tên viết tắt tương ứng:

+ Công ty trách nhiệm hữu hạn: Công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc Công ty TNHH;

+ Công ty cổ phần:  Công ty cổ phần hoặc Công ty CP;

+ Công ty hợp danh: Công ty hợp danh hoặc Công ty HD;

+ Doanh nghiệp tư nhân: Doanh nghiệp tư nhân hoặc DNTN hoặc Doanh nghiệp TN.

– Tên riêng được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu.

– Đặt tên không vi phạm nội dung cấm tại Điều 38 Luật doanh nghiệp năm 2020:

“1. Đặt tên trùng hoặc tên gây nhầm lẫn với tên của doanh nghiệp đã đăng ký được quy định tại Điều 41 của Luật này.

2. Sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân, tên của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị-xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp để làm toàn bộ hoặc một phần tên riêng của doanh nghiệp, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó.

3. Sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.”

Có thể bạn quan tâm:

1.5. Về trụ sở công ty

Trụ sở chính của doanh nghiệp phải được đặt trên lãnh thổ Việt Nam; là địa chỉ liên lạc của doanh nghiệp và được xác định theo địa giới đơn vị hành chính; có số điện thoại, số fax và thư điện tử (nếu có). (theo Điều 42 Luật Doanh nghiệp 2020)

1.6. Về số lượng thành viên

Với từng loại hình doanh nghiệp sẽ có yêu cầu về số lượng thành viên sáng lập tương ứng:

– Doanh nghiệp tư nhân: từ 01 cá nhân trở lên.

– Công ty Hợp danh: tối thiểu 2 thành viên hợp danh trở lên(có thể có thành viên góp vốn);

– Công ty TNHH một thành viên: 01 cá nhân hoặc 01 tổ chức;

– Công ty TNHH hai thành viên trở lên: tối thiểu: 2 thành viên, tối đa: 50 thành viên;

– Công ty Cổ phần: tối thiểu 3 cổ đông sáng lập.

1.7. Điều kiện khác

– Đảm bảo đáp ứng điều kiện về hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp, thủ tục và lệ phí đăng ký thành lập doanh nghiệp theo quy định

2. Trình tự, thủ tục thành lập doanh nghiệp

2.1. Chuẩn bị hồ sơ thành lập doanh nghiệp

– Lựa chọn loại hình doanh nghiệp phù hợp

– Chuẩn bị đầy đủ bản sao giấy tờ Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân hoặc Hộ chiếu của tất cả thành viên góp vốn/cổ đông sáng lập (bản sao công chứng không quá 3 tháng)

– Giấy đề nghị đăng ký kinh doanh được soạn theo mẫu, dự thảo điều lệ công ty với đầy đủ nội dung, danh sách thành viên hoặc cổ đông góp vốn, chứng chỉ hành nghề và chứng minh vốn pháp định của cơ quan có thẩm quyền (đối với các doanh nghiệp mà nhà nước quy định cần phải có vốn pháp định hay chứng chỉ hành nghề)

2.2. Nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp

Phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Thường sẽ là sở kế hoạch đầu tư của tỉnh hay thành phố. Hoặc đến Ủy ban nhân dân huyện để đăng ký thành lập hộ kinh doanh.

Người đi nộp hồ sơ: với việc nộp hồ sơ thì luật có quy định phải là chủ sở hữu doanh nghiệp,hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đến nộp trực tiếp. Trong trường hợp người nộp là người khác thì phải được chủ sở hữu doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp ủy quyền cho đi nộp.

Người được ủy quyền thì phải mang theo giấy ủy quyền hợp lệ và giấy tờ cá nhân như chứng minh nhân dân.

2.3. Cơ quan đăng ký kinh doanh nhận và kiểm tra hồ sơ

Cơ quan tiếp nhận hồ sơ đăng ký kinh doanh sẽ kiểm tra sự hợp lệ của hồ sơ và sẽ thông báo lại cho doanh nghiệp bổ sung, sửa chữa. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày doanh nghiệp nộp hồ sơ, nếu hồ sơ hợp lệ thì doanh nghiệp sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

2.4. Làm con dầu pháp nhân và đăng ký mẫu dấu

Khi được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bạn đến cơ sở chức năng khắc con dấu để làm con dấu pháp nhân.

Sau đó, bạn cần làm bản đăng ký mẫu dấu và nộp tại sở kế hoạch đầu tư thành phố để thực hiện thủ tục công bố thông tin con dấu của doanh nghiệp lên công thông tin doanh nghiệp quốc gia.

Hồ sơ bao gồm: giấy đăng ký mẫu dấu theo mẫu được đóng dấu và ký tên bởi người đại diện pháp luật.

2.5. Hoàn tất sau khi có giấy phép

– Đăng bố cáo thành lập. trong thời gian 30 ngày kể từ ngày doanh nghiệp được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và nhận tại sở kế hoạch đầu tư  thì doanh nghiệp phải được đăng trên công thông tin doanh nghiệp của sở kế hoặc đầu tư. Đây là điều bắt buộc và bạn sẽ nộp một khoản phí để thực hiện đăng bố cáo lên trên công thông tin này. Nội dung bao gồm: tên của doanh nghiệp; địa chỉ của trụ sớ chính; ngành, nghề kinh doanh; đối với công ty TNHH, công ty cổ phần hoặc công ty hợp danh thì cần phải có thông tin về vốn điều lệ, vốn đầu tư ban đầu đối với doanh nghiệp tư nhân; vốn pháp định đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành, nghề yêu cầu phải có vốn pháp định; nơi đăng ký kinh doanh.

– Treo bảng hiệu công ty tại địa chỉ trụ sở đã đăng ký

– Tiến hành đăng ký khai thuế ban đầu với cơ quan thuế quản lý trong thời hạn quy định.

– Tiến hành đăng ký kê khai thuế qua mạng điện tử thông qua dịch vụ chữ ký số

– Nộp tờ khai thuế môn bài và nộp lệ phí môn bài.

– Nộp thông báo áp dụng phương pháp tính thuế GTGT. Làm thủ tục mua, đặt in, tự in hóa đơn.

Sau khi hoàn tất các công việc, doanh nghiệp của bạn sẽ chính thức hoạt động hợp pháp kể từ ngày được cấp Giấy đăng ký kinh doanh. Các doanh nghiệp cần theo dõi, tuân theo trình tự thành lập doanh nghiệp tránh chậm trễ, thiếu sót để việc thành lập doanh nghiệp được diễn ra nhanh chóng.

Share:

Tóm tắt

Xem thêm

Gửi câu hỏi

Nhận thông tin pháp luật mới nhất

Trang thông tin chia sẻ pháp luật miễn phí

Phone: 0326 111 491
Email: chiaseluat216@gmail.com 

Address: Số 20 Hồ Tùng Mậu, Mai Dịch, Cầu Giấy, HN